Dân Việt

Vớt hà cồn trên sông Chanh

06/02/2011 09:37 GMT+7
(Dân Việt) - Mùa này qua mùa khác, đời này qua đời khác, hà cồn sông Chanh vẫn không ngừng sinh sôi, vớt mãi không hề cạn.

Vợ chồng Ngô Đăng Mì ngồi trò chuyện với tôi ngay mé đầu hồi nhà họ sát bãi đậu thuyền bờ bên này của con sông Chanh thuộc xã Nam Hòa, đảo Hà Nam, Yên Hưng (Quảng Ninh). Ngô Đăng Mì bảo: "Hơn một trăm gia đình dọc xóm Đò Chanh không mấy nhà không làm nghề hà cồn. Vớt hà cồn không giàu nhưng có ăn là chắc chắn". Với những người lớn lên ở đây, con sông và nghề hà cồn là một phần đời của họ.

Riêu răm "đệ nhất đẳng"

"Anh đã ăn hà cồn bao giờ chưa?" - cô Ngân, vợ Mì hỏi. Tôi gật đầu. Nhưng tôi biết, người Quảng Ninh chẳng phải ai cũng có cơ may thưởng thức món bình dân này. Bởi vì đó chẳng sẵn như hà sú hoặc hàu Pacific. Cô Ngân cười: "Hà cồn ngon hơn nhiều, đúng không?". 25 năm trước, 13 tuổi, cô Ngân đã biết ra sông vớt hà cồn.

 img
Thay cho việc lặn và cào sào, giờ đây mọi gia đình làm nghề hà cồn ở Sông Chanh đều dùng lồng cào máy. Ảnh: Ngô Mai Phong

Hà cồn thuộc họ hàu, loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, phần ngoài cứng như vỏ sò, vỏ ngao nhưng xù xì, quăn queo, không có hình thù cố định. Loài thủy sản này sống bám vào các dải đá dưới lòng sông và kết vào nhau thành vỉa, thành tảng như san hô hoặc dạng tòa sen, mũ sư. Sau khi vớt lên, người ta dùng búa mỏ chim tách vỏ và lấy ruột. Ruột hà cồn to ngang mật heo, trắng ngần như sữa. Những con lâu năm, ruột lớn như lưỡi bò. Chỉ nhìn đã tứa nước miếng.

Cô Ngân "tái món": Thực ra, hà cồn chế biến kiểu gì cũng ngon: Nấu cháo, kho tiêu, xào bầu non hoặc măng chua, con to tẩm bột rán. Đơn giản nhưng nổi tiếng nhất vẫn là món riêu răm. Ruột hà rửa sạch, xào qua rồi vớt ra. Đổ nước vào nồi, muối nêm vừa phải, không cần đến bất cứ thứ bột ngọt nào, đun sôi bắt đầu thả cà chua thái miếng, vài ba phút sau, cho tiếp hà vào. Nước vừa bồng lên lần thứ hai, thả hành lá và rau răm thái nhỏ rồi bắc xuống. Riêu răm chan bún, ăn kèm xà lách, đậu phụ mắm tôm, đã ngồi không muốn đứng lên.

Hà cồn bổ dưỡng, ngọt và thơm, không chát như hà sú nên mang bao nhiêu qua chợ Rừng thị trấn bên kia sông cũng hết veo. Các chợ thị thành ngoài huyện không có bán là vì thế. Ở Quảng Ninh, chỉ mỗi vùng sông Chanh - một nhánh của sông Bạch Đằng (huyện Yên Hưng) là có hà cồn.

Nhưng dọc sông Chanh lại chỉ có một quãng dài chừng 3km bắt đầu từ bãi cọc khu bãi cọc Bạch Đằng thuộc xã Yên Giang xuôi ra cửa biển đến hạt xã Cẩm La của đảo Hà Nam là nơi hà cồn sinh sống. Bởi vì đây là đoạn lòng sông có đá và cát. Càng ở vùng nước "giáp hai" - nơi giao nhau giữa nước triều lên và nguồn sông đổ ra, loài nhuyễn thể này càng lớn và sinh sản mạnh.

Kho báu người nghèo

Ngày Tết ở đây không thiếu bánh chưng, gà lợn, tôm cua, nhưng bên cạnh những cao lương mỹ vị, mâm cơm Giao thừa các nhà của xóm Đò Chanh bao giờ cũng ngào ngạt món riêu răm. Có phải người ta không thể quên cái món ăn vừa bình dân vừa sang trọng đã trở nên quen thuộc với bao nhiêu thế hệ qua bao nhiêu thời cuộc cơ hàn? Hay có phải vì quá quen với khẩu vị đơn giản của ngày thường, thiếu một bữa là cảm thấy nhạt nhẽo, không vừa miệng, có lẽ cả hai chăng?

Mỗi năm, mùa hà cồn chỉ kẻo dài từ tiết chính đông cho đến hết mùa xuân năm sau. Đây là quãng thời gian hà béo đặc và cho năng suất nhất. Khoảng vài thập niên trở lại đây, khi máy thủy thay thế hẳn bơi chèo, nghề hà cồn cũng chuyển sang một phương thức mới. Người ta dùng những chiếc lồng cào sắt gắn dây tời thả xuống đáy sông và kéo bằng động cơ như kéo lưới tôm. Vợ chồng Ngô Đăng Mì cũng là những nhà đầu tiên học cách làm này.

Vớt hà cồn bằng máy cào đỡ rét mướt, bớt nhọc nhằn và năng suất cao hơn hẳn. Người bình thường nhất, một ngày cũng có thể đạt từ 50 - 70kg nguyên con.

Mì cho hay: Mỗi vụ, anh kiếm được khoảng vài ba chục triệu đồng tiền vớt hà. Cộng thêm nghề đan thuyền nan và cho thuê bãi đậu chừng năm chục triệu nữa vậy là cả nhà - hai vợ chồng, hai đứa con đủ sống khá đàng hoàng.

 img
Gia đình Ngô Đăng Mị và chiếc vỏ hà cồn loại ruột "lưỡi bò". Ảnh: Ngô Mai Phong

Đi dọc những ngôi nhà ở xóm Đò Chanh, thấy vườn nào cũng rải trắng vỏ hà cồn. Lớp mới chồng lên lớp cũ. Dân trên đảo thường nung làm cốn xảm thuyền hoặc bón ruộng thau chua. Ông Lê Văn Chế, láng giềng của gia đình Mì nhớ lại: " Không biết nghề hà cồn có từ bao giờ? Thời tôi còn nhỏ, hợp tác xã quản cả khúc sông này. Người ta lập ra những tổ bảo vệ gọi là "tổ hà". Ông bố tôi cũng là thành viên và hàng ngày được trả theo công điểm. Mặc dầu vậy vẫn không giữ nổi vì dân đói quá. Cuối cùng đành tháo khoán. Bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười."

Giờ đây, xóm Đò Chanh hầu như không còn hộ nghèo. Ngoài khai thác hà cồn, nhà nào cũng có thuyền chài lưới. Họ theo sông nước quanh năm và cứ đúng tiết đông lại nhất loạt tụ về làm náo nhiệt cả khúc sông trù phú. Mùa này qua mùa khác, đời này qua đời khác, hà cồn sông Chanh vẫn không ngừng sinh sôi, vớt mãi không hề cạn.