Mùa thu năm nay, tôi có dịp được đi dạo bên bờ sông Đanuýp (Danube). So về độ dài, ở châu Âu, Danube chỉ kém sông Volga dũng mãnh của Nga. Nhưng Danube không thuộc về miền đất nào trọn vẹn mà trải mình trên nhiều quốc gia Đông - Trung Âu với trên dưới 300 nhánh sông nhỏ.
Tác giả bên sông Danube. |
Vẻ bí ẩn kỳ diệu của sông cũng nằm ở đó. Ở Bulgaria, sông hiền hòa lặng lẽ. Ở Đức lại mạnh mẽ nhiều lời. Ở Hy Lạp cổ, Danube từng được gọi là "Người anh em của đại dương"...
Tôi đi qua một số nước châu Âu và ngạc nhiên vì sự... kiên trì của dòng Danube. Cái tên quen thuộc này xuất hiện nhiều nơi, ở nhiều thành phố, thấp thoáng trên con đường "ta ba-lô" của tôi, khiến tôi có cảm giác mình đang tham gia vào một trò chơi trốn tìm thuở nhỏ với một dòng sông! Tôi dừng chân lâu hơn ở Budapest, và vì thế có điều kiện làm quen với dòng sông nổi tiếng này hơn. Với sự hiền dịu nhu mì của nó. Với sự bất ngờ đỏng đảnh của nó.
Đứng trên cầu Sư Tử(1) ở Budapest, khi mặt trời đang sáng lên thứ ánh sáng cuối ngày nôn nao của buổi chiều thu, lắng nghe người bạn nhỏ sinh ra và lớn lên ở Hungary đọc một bài thơ bằng tiếng Hung, khó có thể diễn tả cảm xúc của tôi lúc ấy bằng lời. Tiếng Hung, những người Việt ở đây cho rằng, đó là thứ tiếng đặc biệt khó, lạ, "không giống ai", nhưng tôi lại nghe trong thứ tiếng ấy có dòng chảy của Danube! Hình như tôi hơi đa cảm, nhưng tình thực tôi nghe âm thanh bài thơ Hung róc rách như tiếng nước, trong veo như tiếng nước và cũng ôn hòa dễ chịu như tiếng nước sông đang mở rộng dòng chảy của mình dưới chân cầu. Cô bạn 11 tuổi của tôi còn nhỏ, lí lắc hồn nhiên, sinh ra ở Budapest, nói tiếng Hung nhanh hơn tiếng Việt, nhưng lại trân trọng tiếng mẹ đẻ đến độ cảm động. Cô bé ao ước: "Giá mà cháu viết tiếng Việt được tốt hơn!". Thì cháu sẽ làm gì? "Cháu sẽ... làm thơ!".
Cô bé, bằng chất giọng non non liến láu của mình đọc cho tôi nghe một bài thơ tình, có đoạn thế này:
Sông Danube cũng có lúc dâng tràn
Nước dào dạt ngập lút bờ âu yếm
Trái tim anh đôi lần không giấu giếm
Không giữ được lòng mình nổi sóng vì em
Yêu anh không, nhành hồng của anh?
Đó là bài thơ "Bụi cây run rẩy" của thi hào người Hung - PetQ fi Sándor.
Người dân ở đây kể rằng, quả là không hiếm khi người Budapest cũng được chứng kiến cảnh Danube vì yêu đương cuồng nhiệt mà tràn ra khỏi bờ. Thậm chí, có năm lịch sử, nước lấn vào thành phố đến gần hai cây số, ngập đến tận nhà thờ Thánh Rokus, nay vẫn còn có biển đánh dấu ghi nhớ mực nước đã lên. Gần đây nhất, Danube dâng nước là vào mùa hè năm vừa rồi. Một năm nhiều biến động của sông. Tại trời và tại người.
Tuy vậy, với tôi, Danube vẫn thật đáng yêu. Khi chảy qua thủ đô của Hungary, Danube xanh mà vẫn không kém phần hùng vĩ. Những dãy núi xám nâu không mảy may ảnh hưởng đến dòng chảy kiên cường của nó. Sự cố về bùn đỏ cũng không khiến Danube thay đổi sắc màu như người ta tưởng tượng. Sắc xanh của sông là sự bình yên gạn lọc giữa chiều sâu của cuộc sống và tình yêu. Muôn đời dường như đã từng thế, bây giờ vẫn thế, không thể nào thay đổi.
Người ta bảo Danube không chỉ bao phủ châu Âu, mà những mạch ngầm của sông còn nuôi dưỡng nhiều dòng sông nhỏ khác. Như một người mẹ. Như một người tình. Âm thầm, nồng nàn, bền bỉ và đôi lần nổi loạn.
--------------------------
(1): Thực ra cầu có tên là Lánchíd nghĩa là cầu Xích, cây cầu cổ nhất bắc qua dòng Đanuýp, nhưng cô bé con bạn tôi lại gọi đây là cầu Sư Tử vì mỗi đầu cầu có 2 con sư tử màu trắng ngồi chầu.
Thụy Anh