Nhiều người không đồng tình với bản án mà tòa tuyên với 4 thanh niên. |
Tôi thấy bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế chưa thật công tâm. Tôi đồng tình với ý kiến của luật sư Huỳnh Phương Nam (Văn phòng Luật sư Huỳnh Nam, Hà Nội) rằng không thể dùng lời nhận tội trước đó của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội, mà ở vụ án này các bị cáo lúc nhận tội, lúc không. Trong khi đó, tòa lại không đưa ra được chứng cứ nào phù hợp với lời nhận tội đó. Như vậy rõ ràng các quy trình tố tụng đã bị bỏ qua!
Lê Thị Thủy (Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng - quận Thanh Khê, Đà Nẵng)
Là những người trực tiếp theo dõi phiên tòa, tôi và nhiều người dân cảm thấy có gì đó chưa ổn. Có quá nhiều tình tiết khiến chúng ta phải đặt câu hỏi. Sao tòa không nghi vấn về chiếc dép da màu vàng của tên cướp rơi tại hiện trường?
Nạn nhân của vụ cướp khai nhìn thấy kẻ cướp mặc áo sơ mi màu trắng sọc đen, trong khi áo của anh Việt lại màu trắng sọc đỏ... Đây có thể xem là những chứng cứ ngoại phạm. Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào phiên phúc thẩm, vào tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng rồi lại thất vọng.
Nguyễn Thị Lan (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế)
Qua những gì mà báo NTNN phản ánh, chúng tôi cảm nhận rõ những nỗi đau của người thân, gia đình các bị cáo. Đằng sau một bản án là bao nước mắt, là danh dự, là những thân phận đáng thương.
Thêm nữa, các luật sư đã chỉ rõ cơ quan tố tụng "nói không" với lẽ phải, công tố viên không tranh luận lại mà chỉ khăng khăng rằng, những gì truy tố "đã có đủ cơ sở, đã thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án”. Tôi nghĩ, các bị cáo phải tiếp tục kháng án lên Tòa án nhân dân Tối cao. Đừng để những người vô tội phải ở tù!
Nguyễn Thị Hiếu Dân (tỉnh Bến Tre)
Tôi thấy chưa đủ căn cứ pháp lý để buộc tội 4 thanh niên phạm tội cưỡng đoạt tài sản như các cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm ở Thừa Thiên- Huế đã tuyên. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực luật pháp, từng dự nhiều phiên toà hình sự, tôi cho rằng vụ án trên cần phải được tiến hành điều tra lại một cách kỹ lưỡng và thận trọng.
Các bị cáo trong vụ án trên có phạm tội cưỡng đoạt tài sản của bà Lê Thị Hoa hay không cần phải được các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ trên tinh thần cũng như các nguyên tắc, quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để tránh tình trạng oan sai trong quá trình giải quyết vụ án.
Luật gia Trần Hồng Thanh (Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ)
Là người theo dõi sát vụ án này, tôi cho rằng các cơ quan tố tụng của tỉnh Thừa Thiên- Huế đã xử vụ án theo hướng bất lợi cho các bị cáo, trong khi các bị cáo có nhiều bằng chứng ngoại phạm. Theo nguyên tắc tố tụng, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải chứng minh được hành vi phạm tội của các bị cáo trước tòa.
Cơ sở để chứng minh là những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, khi vụ án này được đưa ra xét xử, không có một bằng chứng nào thuyết phục để buộc tội bị cáo, mà tòa chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo trước đây (các lời khai này bị cáo cho là bị ép cung) để kết án.
Nếu tòa án minh bạch trong xét xử, tôi nghĩ các bị cáo phải được trả tự do ngay tại tòa, hoặc chí ít tòa phải trả hồ sơ để điều tra lại.
Nguyễn Quang Tám (Quangtam@yahoo.com)
Ở vụ án này có nhiều bằng chứng ngoại phạm của các bị cáo không được các cơ quan tố tụng xem xét. Cụ thể, hồ sơ vụ án khẳng định các thanh niên trên rời nhà chị Nguyễn Thị Liền lúc 22 giờ 30 ngày 17-6-2009, còn vụ cướp xảy ra lúc 22 giờ 50 phút cùng ngày.
Như vậy, các bị cáo chỉ có 20 phút để đi từ nhà chị Liền đến nơi xảy ra vụ cướp. Trong khi đó, sau khi rời nhà chị Liền, 4 bị cáo đã phải nghỉ nhiều chỗ trên đường do bị tai nạn hai lần và dừng lại ở một địa điểm khác để gọi bạn. Khi các bị cáo có mặt ở cầu Phú Khê đã là 22 giờ 50 phút, thời điểm này đã xảy ra vụ cướp, vậy các bị cáo làm sao thực hiện hành vi cướp giật?
Ngoài ra, chiếc dép của hung thủ vụ cướp làm rơi tại hiện trường cũng là một bằng chứng ngoại phạm quan trọng của các bị cáo nhưng không được tòa xem xét chỉ vì các bị cáo không ai thử vừa chân.
Luật sư Lê Thị Trà My (TP. Huế)