Dân Việt

Ồn ào ở chốn tâm linh: Tranh chấp quản lý điện thờ

01/11/2010 15:21 GMT+7
(Dân Việt) - 14 đời trông nom ngôi điện thờ do ông tổ dòng họ lập ra, gìn giữ 10 sắc phong của các đời vua phong tặng cho các vị thánh, bỗng dưng dòng tộc họ Bùi ở thôn Lão Ngoại (Phú Lão, Lạc Thùy, Hòa Bình) bị chính quyền địa phương "truất quyền" quản lý ngôi điện trên.

 

img
Ông Bùi Văn Túc và cuốn gia phả ghi lại việc ông tổ dòng họ Bùi lập ra Đền Mẫu.

Huyền thoại trứng rồng

Dòng tộc họ Bùi ở thôn Lão Ngoại đến nay đã được 14 đời với gần 50 hộ gia đình cùng trên 250 nhân khẩu.

Theo bản dịch nghĩa của cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch từ bản gốc “Sự tích” mà gia đình ông Bùi Đình Túc còn lưu giữ được thì tộc trưởng họ Bùi là cụ Bùi Đình Quang, thủ từ năm Vua Lê Cảnh Hưng thứ 3 (1742) đã viết lại gia phả sự tích nuôi Rồng và lập điện thờ của tổ tiên dòng họ.

Sách chép, khi đó vào tháng 12, ông lão đi đánh cá ở làng Khoang thì vớt được 1 quả trứng. Ông lão đem về cho gà ấp và nở ra 1 con rồng. Ông lão nuôi nấng không quản ngày đêm. Đến khi ông lão không biết lấy gì để nuôi, liền bảo rồng đi tìm cha mẹ.

Tìm kiếm khắp các vực, khi đến dưới mé đò ở vực Chân Núi Điện, rồng lặn tìm độ một canh giờ mới ngoi lên gật đầu, lạy tạ 4 lạy rồi xuống đó ở. Từ đó ông lão trở về lập đền thờ phụng một tháng đôi tuần rồi truyền lại cho con cháu mãi mãi.

Cũng theo cuốn “Sự tích” mà dòng họ Bùi gìn giữ thì thời nhà Tống, giặc Nguyên vào xâm chiếm, hoàng hậu nhà Tống cùng Thừa tướng Văn Thiên Tường, Lục Tú Phu, Trương Thế Kiệt tôn lập Đế Bính nối ngôi rồi vượt biển đi về phía Nam. Không bao lâu viên tướng Trương Hoằng Phạm nhà Nguyên tập kích, do bị bại trận phải vùi mình dưới đáy biển.

Ba mẹ con hoàng hậu may mắn bám vào được mảnh ván trôi dạt vào bờ biển. Nhà sư ở đó nhìn thấy đưa về chăm sóc. Thấy bà cốt cách yểu điệu, dáng vẻ thanh tú, nhà sư động lòng yêu nhưng bà thủ tiết cự tuyệt. Nhà sư lấy làm hổ thẹn liền gieo mình xuống biển.

Mẹ con bà sau biết sự tình cũng trầm mình xuống biển, xác trôi dạt đến cửa Cờn vùng Diễn Châu. Người trong làng trông thấy vẻ mặt vẫn còn tươi như lúc sống đều cho là chuyện khác thường liền xây mộ lập miếu để thờ tự. Miếu đặt ở xã Hương Ngạn, huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu, xứ Nghệ An.

Đến năm Hưng Long (1293 - 1314) triều Trần, vua thân chinh đánh Chiêm Thành đi thuyền qua miếu, đêm nằm mộng thấy có nữ thần hiện lên xưng là cung phi nhà Triệu Tống, được Thượng đế phong cho làm Thần Biển xin giúp vua lập công. Khi tỉnh dậy, vua bèn sai các quan lập đàn tế, quả nhiên biển không có sóng. Đại binh đánh hạ được thành Đồ Bàn. Khi thắng trận trở về, vua sai quan Hữu ti lập đền thờ cúng, dân trong xã cũng theo đó thờ cúng.

14 đời thờ phụng

Ông Bùi Đình Túc, thủ từ Đền Mẫu khẳng định: "Sau khi vua thắng trận trở về, người dân trong xã đã đưa Vua bà hoàng Triệu quốc gia vào thờ tại Điện Thượng của dòng họ Bùi. Ban đầu Điện Thượng làm bằng gỗ, kiểu nhà sàn tọa lạc tại chân núi Khoang Làng thuộc thôn Lão Ngoại.

Sự tích lịch sử, các hiện vật, cổ vật, di vật, đồ thờ tự trong điện, dòng tộc chúng tôi hiện nay vẫn lưu giữ, trong đó có 10 sắc phong của các vị vua thời phong kiến phong tặng cho các vị thánh. Sau các lần sắc phong, Điện Thượng được đổi thành Đền Thượng đề Quốc mẫu Vua bà Thất vị Đại Vương thượng đẳng thần có công hộ nước giúp dân (nay gọi là Đền Mẫu)”.

Theo Văn Khế năm 1923, Đền Mẫu bị dột nát, hư hỏng, ông tổ họ Bùi đời thứ 10 là Bùi Văn Tửu đã bỏ ra 20 đồng bạc để sửa sang và mua thêm bộ Long ngai và kiệu. Sau đó ông được bầu vào vị trí Kỳ Mục trong làng. Ông Túc cho biết thêm:

"Năm 1999, UBND xã Phú Lão cử người trực tiếp đến quản lý Đền Mẫu. Cũng năm này, Đền Mẫu dột nát, mối mọt, thấy xã quản lý mà không có kế hoạch tu sửa, gia đình tôi làm đơn xin phép được sửa chữa lại và đứng ra vận động, quyên góp khách thập phương xây dựng Đền Mẫu thành 3 gian như hiện nay.

Ngày 25 - 12 - 2005, gia đình tôi lại làm đơn xin được tôn tạo, tu sửa lại Lầu quan Ngũ Hổ vì lầu quá nhỏ bé, dột nát, chật hẹp và được Đảng ủy, UBND xã đồng ý. Toàn bộ kinh phí tu sửa do gia đình tôi bỏ ra. Ngày 11 - 1 - 2007, tôi tiếp tục làm đơn xin tu tạo xây Cổng tam quan Đền Mẫu và Lầu cô cậu để đáp ứng nhu cầu của khách thập phương về tham quan, vãn cảnh.

Kinh phí vẫn do gia đình tôi tự bỏ ra xây dựng. Vậy mà giờ đây, UBND xã ngang nhiên loại dòng họ chúng tôi ra khỏi công việc quản lý đền. Tháng 5 - 2010, UBND xã thông báo bằng miệng cho tôi nghỉ mọi công việc ở Đền Mẫu".

Trong gia phả của dòng họ, các cụ dặn dò không cho người ngoài dòng tộc vào điện làm việc. Cứ 3 năm hoặc khi đền hư hỏng thì phải sửa chữa lại. Có 3 mẫu ruộng ở khu Rộc Rét Hang Mái cho anh em trong họ cấy lấy sản phẩm dùng làm việc cúng lễ tại điện, 1 năm có 3 kỳ tế lễ, có nghi thức tế lễ riêng cho Đền Mẫu.

Kỳ 2: Gian nan đòi lại nơi thờ tự