Cuối tuần qua, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo, nếu không tăng trưởng thì tương lai của nền kinh tế EU lâm vào tình trạng nguy ngập.
Tuyên bố của bà Lagarde được đưa ra trong bối cảnh có bất đồng về phương thức chữa trị các “căn bệnh” kinh tế của châu Âu, nhất là đối với các nước đang gặp khó khăn lớn như Hy Lạp. Đức và Ủy ban châu Âu muốn duy trì các biện pháp khắc khổ để không làm tổn hại tới kế hoạch phục hồi kinh tế tổng thể.
Ngày 13.10, hàng ngàn người dân Tây Ban Nha biểu tình phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”. |
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble nói rằng hiện không có giải pháp thay thế để giảm các khoản nợ công ở mức cao trong trung hạn. Nhưng IMF dường như đã làm dịu lại lập trường của mình với gợi ý rằng các chương trình "thắt lưng buộc bụng", vốn đặt gánh nặng lên hàng triệu người châu Âu, không nên tập trung vào các mục tiêu cụ thể và các quốc gia nên dành nhiều thời gian để tìm cách cắt giảm nợ nần.
Bà Lagarde nói: “Giảm nợ công là điều hết sức khó khăn nếu không có tăng trưởng. Ngược lại, tỷ lệ nợ cao sẽ khiến việc đạt được tỷ lệ tăng trưởng khó hơn. Vì thế, đây là con đường rất hẹp cần phải đi”.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi nói, các nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) phải vượt qua một chặng đường dài và chông gai trước khi có thể phục hồi, và khu vực này vẫn đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng niềm tin.
Các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần. Dù vậy, các nước sẽ không có lựa chọn nào khác để giảm nợ, ổn định ngân sách nếu muốn khôi phục lòng tin. Những cải cách dù đau đớn song là cần thiết để có thể đưa các nước trở lại con đường tăng trưởng ổn định.
ECB trước đó đã tuyên bố rằng sẽ không in tiền để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone và cũng không thể làm thay những gì các chính phủ cần làm.
Trong khi đó, nước mới nhất trong Liên minh châu Âu đang có dấu hiệu “thắt lưng buộc bụng” đó là Anh. Thủ tướng Anh David Cameron mới đây đã kêu gọi người dân nước này nỗ lực làm việc hơn để vượt qua những khó khăn về kinh tế, đồng thời nhấn mạnh đất nước cần phải cắt giảm thâm hụt ngân sách và chỉnh sửa nền kinh tế nếu không sẽ phải đối mặt với sự suy giảm dài hạn.
Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne cho hay, Chính phủ sẽ cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm thêm 10 tỷ bảng Anh (16 tỷ USD; 12,5 tỷ euro) trong giai đoạn 2016-17.
Quang Minh