Dân Việt

Siết chặt sản xuất, kinh doanh cá tra

15/10/2012 07:27 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 10 năm, sản lượng thu hoạch và xuất khẩu cá tra đã tăng gấp 10 lần, nhưng giá xuất khẩu bình quân lại giảm tới 1USD/kg.

Doanh nghiệp thì tranh mua, tranh bán, còn nông dân nuôi cá liên tục thua lỗ… là lý do ngành thủy sản cần sớm đưa ra quy định mới để quản lý sản xuất, kinh doanh cá tra.

Chủ yếu xuất khẩu phi lê cấp đông

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2011, sản lượng cá tra nguyên liệu nước ta đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn, sản lượng xuất khẩu ước đạt 600.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 1,8 tỷ USD. Thị trường tiêu thụ cá tra ngày càng được mở rộng, đến nay đã có trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới tiêu thụ cá tra của Việt Nam. Chỉ có 6.000ha nuôi cá tra, nhưng kim ngạch của ngành này hiện chiếm 34,2% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản và đóng góp khoảng hơn 2% GDP của cả nước.

img
Sản xuất cá tra tới đây cũng sẽ có điều kiện (chụp tại Đồng Tháp).

Theo Bộ NNPTNT, số lượng, quy mô nhà máy chế biến cá tra liên tục tăng. Nếu như năm 2000, cả nước chỉ có 15 nhà máy chế biến cá tra với tổng công suất 77.880 tấn/năm, đến năm 2011 đã có 291 nhà máy tham gia chế biến mặt hàng cá tra với tổng công suất thiết kế trên 2 triệu tấn/năm. Mặc dù trải qua 10 năm phát triển vượt bậc, nhưng đến nay cá tra được xuất khẩu vẫn chủ yếu dưới dạng phi lê cấp đông đơn thuần (đông block và đông rời).

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cá tra là ngành hàng mà Việt Nam luôn độc chiếm thị trường thế giới từ trước tới nay với 95% thị phần toàn cầu. Nhưng doanh nghiệp lại đua nhau giảm giá bán dẫn đến giá cá tra xuất khẩu bình quân chỉ còn 1,8 USD/kg, trong khi 3 năm trở về trước có giá xuất khẩu trên 2,8 USD/kg.

Đưa vào ngành nghề có điều kiện

Ông Dương Nghĩa Quốc- Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Chúng ta cần đưa sản xuất cá tra vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, những ai không có điều kiện thì nên rút lui. Phải gắn phát triển sản xuất có điều kiện với bảo vệ môi trường, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc".

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng: “Nghịch lý của con cá tra là ở chỗ, không có quốc gia nào cạnh tranh với Việt Nam, việc giảm giá bán đều do doanh nghiệp chúng ta tự hại nhau. Theo tôi, ngành cá tra cần thúc đẩy liên kết dọc giữa nông dân nuôi cá, doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, doanh nghiệp chế biến cá tra và xuất khẩu”.

Tuy nhiên, có một vấn đề là thời gian qua, vai trò của VASEP đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cá tra mờ nhạt, Điều lệ Hiệp hội lỏng lẻo, nghị định sửa đổi về quản lý sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cá tra cần làm rõ trách nhiệm, vai trò của VASEP trong điều hành ngành cá tra. Mặt khác, phải thiết lập điều kiện đối với doanh nghiệp chế biến, thương nhân xuất khẩu cá tra.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhận định: "Công tác quy hoạch nuôi trồng cá tra chưa theo kịp sản xuất. Khi được giá, người người, nhà nhà phá bỏ ruộng vườn để đào ao thả cá, không những phá vỡ quy hoạch cứng, mà còn phá vỡ quy hoạch mềm là quan hệ cung - cầu và giá".

Ông Tám cũng cho rằng: "Chúng ta đã có VASEP, rồi có Hiệp hội Nghề cá điều hành, thế mà điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu cá tra tại sao vẫn rối? Những chính sách hiện có tại sao không có tác dụng thực sự đến ngành cá tra? Do đó, điểm mới trong dự thảo nghị định lần này là quy định rõ nghề nuôi, chế biến cá tra và xuất khẩu cá tra là ngành nghề có điều kiện để cấp phép hoặc thu hồi giấy phép nếu không đáp ứng đủ điều kiện".