Háo hức chuẩn bị tết Là một dân tộc có nhiều ngày lễ hội đặc trưng trong năm, nhưng đồng bào Khmer sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ lâu đã xem Tết Nguyên đán của người Kinh cũng là một trong những cái tết của dân tộc mình. Cùng với toàn vùng, vào thời điểm này người Khmer ở ĐBSCL cũng đang tất bật thu hoạch vụ lúa đông xuân, thu hoạch trái cây, hoa màu để dành tiền sắm sửa chuẩn bị ăn tết.
Ông Liêu Xem ở huyện Ô Môn (TP.Cần Thơ) chia sẻ những nét thú vị trong cách đón Tết Nguyên đán của dân tộc Khmer: “Tương tự như các dân tộc anh em, Tết Nguyên đán cũng là dịp người Khmer sum vầy bên gia đình. Chúng tôi cũng chuẩn bị đón tết rộn rã lắm. Ngoài dồn sức lo cho vụ lúa đông xuân, chúng tôi còn trồng thêm hoa màu, nuôi gà vịt để bán trước tết, chuẩn bị tiền sắm sửa quần áo cho con cháu, trang trí nhà cửa, sắm sửa đồ ăn, thức uống…”.
Hội thi hóa trang chọi gà tết của người Khmer.
Còn cộng đồng người Chăm An Giang theo đạo Hồi (phái Islam) nên không có khái niệm “tết” mà thay vào đó là có nhiều lễ hội tôn giáo (lễ tục tôn giáo). Một trong những ngày lễ hội tôn giáo mang ý nghĩa như Tết Nguyên đán đó là Lễ Ramadal (diễn ra vào giữa tháng 8 đến giữa tháng 9 hàng năm). Người Chăm An Giang cũng đón Tết Nguyên đán nhưng theo một ý nghĩa là “ăn theo”, “chơi tết” chứ không thực hiện phần lễ nghi như các lễ của họ.
Tết đến là vuiÔng Liêu Minh ở vùng Long Mỹ (Hậu Giang) chia sẻ: “Người Khmer chúng tôi cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà – những người đã khuất, cùng đón lễ giao thừa. Ngày tết con cháu đi làm ăn xa cũng về quê ăn tết với người thân của mình. Món ăn đặc trưng 3 ngày tết của chúng tôi cũng giống như các dân tộc khác là bánh tét và bánh ít. Vào đêm giao thừa, người Khmer cũng làm một mâm cỗ để cúng tổ tiên.
Chúng tôi thường cúng 3 bữa 1 ngày trong vòng 3 ngày tết. Những đôi nam thanh nữ tú vào đêm giao thừa thường rủ nhau đi chùa hoặc tổ chức chơi những trò chơi dân gian của người Khmer. Những người lớn tuổi thường đi chùa nghe tụng kinh, niệm Phật. Điểm khác biệt trong việc đón Tết Nguyên đán của người Khmer có lẽ là những buổi văn nghệ mang đậm nét văn hóa dân tộc. Ngoài ra, những ngày tết người Khmer hay tập trung ở chùa chứ không tới những nơi công cộng như người Kinh”.
Ở vùng quê sông nước này, 3 ngày tết là dịp để gia đình sum vầy, hàng xóm giao lưu tay bắt mặt mừng; đúc kết, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau qua một năm lao động của những gia đình có quan hệ kết nghĩa, kết tình…
|
Theo khảo sát của chúng tôi, ở những vùng có nhiều gia đình người Khmer như vùng Long Mỹ, Châu Thành A (Hậu Giang), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Hồng Dân (Bạc Liêu), Trần Văn Thời (Cà Mau)… thì việc đón Tết Nguyên đán của đồng bào cũng giống như người Kinh.
Trà, rượu, bánh, mứt... gia đình nào cũng chuẩn bị để tiếp khách ngày xuân. Anh Thạch Út ở xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) vui vẻ cho biết: “Tết Nguyên đán là tết chung của mọi nhà, mọi người mà, chúng tôi cũng ăn tết linh đình lắm”.
Chị Ya Sa, người Chăm ở ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú (An Giang) cho hay: “Tết nhà tôi không có cúng lễ mà chỉ vui chơi, con cháu sum họp, có nhà thì cùng nhau nấu ăn, có nhà thì đi chơi. Tết này nhà tôi nấu các món truyền thống của người Chăm như: Món cari, làm tung lò mò (lạp xưởng Chăm) hay làm bánh rế (một loại bánh ngọt) để con cháu ở xa về ăn cho vui…”.