Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết như vậy tại phiên họp ngày 16.10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bàn về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012, kế hoạch năm 2013…
Khó chi lương vì thu ngân sách giảm
Theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Thu NSNN 9 tháng năm 2012 đạt 67,3% dự toán, là năm có tiến độ thu thấp nhất trong các năm gần đây, khả năng thu những tháng còn lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến hụt dự toán khoảng 25.500 tỷ đồng, bù lại phần hụt thu là thu tăng từ dầu thô do giá tăng và thu một phần lãi dầu, khí được chia lại.
Do thu ngân sách giảm nên khả năng tăng lương năm 2013 là khá khó khăn. |
Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói: Do tình hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn và tiếp tục khó trong năm tới, căn cứ vào khả năng cân đối NSNN nên Chính phủ không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, trong Ủy ban vẫn có ý kiến cho rằng nên tiếp tục thực hiện một phần lộ trình tăng lương tối thiếu, đó là thực hiện mức tăng từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng, phụ cấp công vụ nâng từ 25% lên 30%. Lộ trình nên bắt đầu từ 1.5.2013. Nguồn tiền bố trí cho tăng lương sẽ lấy từ khoản thu nội địa và dầu khí.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nhận định: Bộ Tài chính nên tổng hợp các chính sách dành cho an sinh xã hội để người dân thấy Nhà nước có sự chia sẻ. “Về việc tăng lương, nếu khó khăn quá không quyết được thì cũng cần thông báo cho người dân rõ, nhưng nếu không quyết thì sẽ ảnh hưởng tới lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân”- bà Mai nói.
Giảm tồn kho và nợ xấu
Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách như thắt chặt tiền tệ, quản lý chặt chẽ chi tiêu và giảm bội chi ngân sách nhà nước..., lạm phát đã cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại.
Theo dự báo của Chính phủ, trong số 15 chỉ tiêu của năm 2012 đã được Quốc hội phê duyệt, dự kiến có 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch gồm: GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP, tạo việc làm, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỉ lệ che phủ rừng, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2012 dự kiến chỉ đạt 5,2%, so với chỉ tiêu đề ra là 6-6,5%.
Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết: 5 chỉ tiêu không hoàn thành đều là những chỉ tiêu có tính chất then chốt. Tổng ngân sách đạt dự toán xấp xỉ 1% chứng tỏ nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Sức mua của người dân sẽ khó cải thiện trong năm 2013. Việc tồn kho chậm sẽ kéo theo nợ xấu ngân hàng nên phải sử dụng lực lượng vật chất để xử lý những vấn đề vật chất bởi năm 2013 không còn nhiều dư địa để giải quyết khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Dứt khoát từ nay đến cuối năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 phải giảm tồn kho và nợ xấu ngân hàng, trong khi đó nợ mới ngân hàng cũng phải tăng. Muốn cho vay ra thì ngân hàng phải tìm cách như cho vay tiêu dùng, vay làm nhà, mua nhà thì thị trường bất động sản mới khởi sắc. Nợ xấu phải giảm cho được bởi chỉ có thế thì mới nói đến việc sản xuất được. Trong 8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế xã hội, cần chọn những vấn đề tương đối rõ để thực hiện…
Đức Hiếu