Dân Việt

Cuộc đời thăng trầm của Norodom Sihanouk

17/10/2012 06:13 GMT+7
(Dân Việt) - Cho đến lúc tạ thế ở tuổi 90, cựu Vương Sihanouk chưa bao giờ thôi nỗ lực gìn giữ sự thống nhất cho đất nước Campuchia.

“Sihanouk chính là Campuchia”

Julio Jeldres, nhà viết tiểu sử chính cho cựu Vương, đã từng nhận xét như vậy về Thái Thượng Hoàng của Campuchia - Norodom Sihanouk. Norodom Sihanouk là một chính trị gia đầy nhiệt tâm, tài năng, đồng thời cũng là một quân vương đầy chất nghệ sĩ. Ông làm phim, vẽ tranh, sáng tác nhạc, thành lập một đội bóng của hoàng gia và một ban nhạc jazz của riêng ông. Ông cũng thích xe hơi, phụ nữ và nghệ thuật ẩm thực. Cựu vương đã 6 lần kết hôn và có 14 con...

img
Cựu Vương Sihanouk và phu nhân.

Được chính quyền thực dân Pháp đưa lên ngai vàng năm 1941 khi mới 18 tuổi, Sihanouk đã ngay lập tức thách thức những người bảo trợ vốn muốn có một vị vua dễ bảo. Mười hai năm sau, ông đã giành lại được độc lập cho Campuchia ngay sau khi từ bỏ ngai vàng với sự ủng hộ của người cha là Norodom Suramarit để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Ông làm thủ tướng 2 lần và cuối cùng trở thành quốc trưởng sau khi cha ông qua đời vào năm 1960. Suốt thập kỷ tiếp theo, ông đem lại cho Campuchia một giai đoạn ổn định hiếm hoi.

Năm 1970, Tướng Lon Nol được Mỹ ủng hộ tuyên bố tiến hành đảo chính khi ông Sihanouk đang thăm chính thức Liên Xô và hủy bỏ chế độ quân chủ. Ông Sihanouk lưu vong sang Trung Quốc để lãnh đạo một phong trào chống đối, còn tại Campuchia, Khmer Đỏ dần lên nắm quyền. Sau khi Pol Pot và đồng bọn nắm hoàn toàn quyền lực tháng 4.1975, những cuộc tàn sát và tử hình hàng loạt bắt đầu. Các trại tập trung mọc lên và khoảng 1,7 triệu người Campuchia, tương đương 1/5 dân số đã thiệt mạng.

Nỗ lực vì hòa bình

Sau những thăng trầm, những biến cố trong cuộc đời làm chính trị, ông Sihanouk không ngừng nỗ lực theo đuổi hòa bình, tiến hành các cuộc đàm phán với Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen 1989. Sức mạnh ý chí của Sihanouk đã được đền đáp bằng một thỏa ước hòa bình năm 1991 do Liên Hợp Quốc đảm bảo, mở đường cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tiến hành ở Campuchia 2 năm sau đó. Cũng vào năm 1993, Sihanouk lại lên ngôi sau gần 4 thập kỷ.

Campuchia sẽ tổ chức quốc tang cựu Vương Norodom Sihanouk trong 1 tuần (từ 17 đến 23.10).

Thi thể cựu Vương Sihanouk dự kiến sẽ về tới thủ đô Phnom Penh vào chiều 17.10 và tang lễ sẽ được cử hành từ 21.10. Theo ước tính, có khoảng 100.000 người dân sẽ tới sân bay đón thi hài cựu Vương Sihanouk.

Sihanouk thường thể hiện sự thích thú khi được làm việc với những người dân thường về các dự án công trình công cộng. Điều này đã tạo nên trong tâm trí người dân Campuchia, đặc biệt là những người dân ở khắp các vùng nông thôn, một mối liên kết không thể phá vỡ giữa ông và đất nước mà ông trị vì. Hai lần phải sống lưu vong và 2 lần trở lại ngai vàng trong một cuộc đời cũng đầy thăng trầm như chính lịch sử đất nước ông, Sihanouk đột ngột thoái vị vào năm 2004 với lý do tuổi cao, sức yếu.

Trong những năm cuối đời, ông bị bệnh tật hành hạ, trong đó có bệnh ung thư và tiểu đường và thường xuyên phải sang Trung Quốc để chữa bệnh dài ngày. Tháng 10.2009, sau cuộc chiến lần thứ 3 với căn bệnh ung thư, vị cựu Quốc vương đã đăng một thông điệp nói rằng ông sống thế là quá lâu rồi. Ông viết: "Tuổi thọ kéo dài đè nặng lên vai tôi như một gánh nặng không thể nào chịu nổi nữa”. Ngày 15.10.2012, cựu Vương băng hà ở tuổi 90 tại Bắc Kinh do sức khỏe quá yếu.