Gian hàng thổ cẩm Bản Lác của chị Lò Thị Phanh được trình bày khá bắt mắt (ảnh chụp sáng 26-1). |
Gần trưa, gian hàng lẩu ngựa Sơn Lìn - Cầu Bợ, một đặc sản của huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) nườm nượp thực khách. Anh Nguyễn Văn Thanh - chủ gian hàng cho biết, lẩu ngựa là món ăn cải tiến từ món thắng cố ngựa, ăn bổ dưỡng và trị nhiều loại bệnh như đau chân tay, tiểu đường, bổ gân, cường cơ…
Đặc sản rừng xuống phố
Ngoài món lẩu ngựa, trong dịp về Thủ đô tham gia hội chợ, anh Thanh còn "mang theo nhiều sản vật quý như cao ngựa, giò ngựa, rượu ngô ủ men lá. Bác Nguyễn Công Dũng, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, một thực khách ăn lẩu ngựa tâm sự: "Được ăn lẩu ngựa, uống rượu ngô trong cái lạnh ngọt của Hà Nội chẳng khác già đang ngồi giữa núi rừng Tây Bắc". Được biết, đây là lần đầu tiên món lẩu ngựa xuất hiện tại một hội chợ.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, Trưởng Ban tổ chức hội chợ.
Theo quan sát của chúng tôi, các gian hàng mang hương vị núi rừng Tây Bắc như thổ cẩm Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình), rượu ngô Bắc Hà (Lào Cai), gạo già Dui, măng, mộc nhĩ, cam Hàm Yên (Tuyên Quang), trái cây Bắc Quang… thu hút rất nhiều khách đến mua sắm.
Chị Lò Thị Phanh - chủ gian hàng thổ cẩm Bản Lác tâm sự: "Thổ cẩm Bản Lác đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Mang hàng đến hội chợ là để góp vui, giao lưu là chính". Được biết, dù không được hỗ trợ kinh phí vận chuyển từ địa phương hoặc ban tổ chức, nhưng gian hàng của chị Phanh được xác lập "kỷ lục" đến sớm nhất.
Đậm đà hương vị Tết
Bên cạnh các sản phẩm phục vụ nhu cầu vật chất, nhiều gian hàng phục vụ nhu cầu tinh thần với những sản phẩm mới lạ cũng được người dân Thủ đô quan tâm. Theo ông Trần Phương Anh - chủ gian hàng nhang thương hiệu Phụng Nghi: "Sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu sang Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Banglades… từ năm 2007, nhưng chúng tôi cũng luôn hướng đến thị trường trong nước.
Dịp Tết đến xuân về, tham gia một gian hàng để phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của bà con". Ông Anh mang đến hội chợ sản phẩm hương vòng có thể đốt trong 1 năm với đường kính 1,6m, cao 3,5m và đường kính nhĩ hương (vòng hương) 1,5cm; sản phẩm này được các nghệ nhân làm trong 15 ngày và khâu chỉ trong 10 ngày.
"Ngoài việc tham quan, mua sắm đặc sản các vùng miền chất lượng cao dịp Tết đến xuân về, chúng tôi cũng chú trọng phần hội, giúp cho người mua sắm hiểu biết thêm về văn hóa cổ truyền dân tộc Việt cũng như văn hóa một số đồng bào dân tộc vùng cao, thông qua các hoạt động văn hóa thiết thực. Nhiều trò chơi, văn hóa vùng miền mang hương vị Tết và không khí ngày xuân như bịt mắt đập niêu, hát quan họ, ca trù… sẽ được các nghệ sĩ cây nhà lá vườn biểu diễn" - ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng Ban tổ chức hội chợ cho biết.
Theo ghi nhận của chúng tôi, để phục vụ cho nhu cầu mua sắm dịp Tết, các gian hàng hoa cũng được bày bán khá phong phú và bắt mắt như: Mai vàng Bình Định, lan Hoàng Kim Đại Lộc, lan Đà Lạt, lan Hồ điệp, quất Tứ Liên, đào Nhật Tân...
Hữu Thông