Dân Việt

Nơi con sông Hồng chảy về với biển

02/02/2011 05:54 GMT+7
Dân Việt - Cửa Ba Lạt - ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Nam Định và Thái Bình - không chỉ là nơi con sông Hồng đổ ra biển lớn, mà còn là địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp.

Từ Khu du lịch Cồn Vành thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình, chúng tôi đi dọc theo dải cát dài ven biển chừng 4km xuôi về phía ngọn hải đăng Ba Lạt sừng sững vươn lên trời cao để được phóng tầm mắt nhìn ra "nơi con sông Hồng chảy về với biển".

img
Cửa biển Ba Lạt.

Ở bãi cát cuối rừng phi lao, những người đàn ông căng tấm thân vạm vỡ, rám nắng, hối hả bê những sọt cá lớn từ thuyền xuống, rồi buộc lên xe máy cho chị em phụ nữ phóng băng băng về phía những nhà hàng hải sản.

Một cán bộ Ban Quản lý Cồn Vành cho biết, cửa Ba Lạt nằm ở phía Nam bãi sa bồi rộng gần 2.000ha này, từ khi Cồn Vành được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng thành khu du lịch thì cuộc sống người dân biển nơi đây khấm khá hơn.

Từ xa xưa, Ba Lạt đã là cửa ngõ đường thủy quan trọng tiến vào Thăng Long. Cũng chính vì vậy, người dân Tiền Hải đã không ít lần phải ngăn chặn những cuộc đổ bộ của quân thù. Ngày 6-1-1946, cùng với nhân dân cả nước, toàn xã Nam Hà nô nức đi bầu Hội đồng nhân dân các cấp.

Quân Pháp cho 16 tàu ngang nhiên từ ngoài biển ngược sông Hồng tiến vào theo cửa Ba Lạt. Trước tình thế ấy, địa phương phải dừng cuộc bầu cử, chính quyền gấp rút chuẩn bị ứng chiến với kẻ thù. Đến khi tàu địch rút đi, ta mới tiếp tục tổ chức cho nhân dân bầu cử.

Nói về những ngày tháng hào hùng năm xưa, ông Phạm Ngọc Yên - cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tiền Hải, nhớ lại: "Ngày 19-12-1946, thực dân Pháp bội ước nổ súng. Do nằm trong địa hình chiến lược phức tạp, nên các xã Nam Tiền Hải bị kẻ địch bắn phá.

Ngay từ đầu năm 1946, hàng đoàn người dân Tiền Hải gồm cả trai, gái, già, trẻ đã chạy bộ 3km ra bờ sông Bồng He đón chặn tàu Pháp khi được tin chúng từ cửa Ba Lạt ngược dòng tiến về Nam Định. Hình ảnh bà cụ nông dân khi nghe tin giặc đến, không kịp tìm gậy gộc, vác luôn cái tràng xay đang kéo lúa hòa nhập vào đoàn người tiến về phía bờ sông Hồng, đã trở thành ký ức không thể nào quên.

Giờ đây, sau khói lửa, cửa Ba Lạt lại hiền hòa ôm lấy Cồn Vành làm nên khu du lịch sinh thái đầy tiềm năng của tỉnh Thái Bình.