Dân Việt

Trung Quốc và nỗi ám ảnh Tết về quê

31/01/2011 09:43 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng triệu người Trung Quốc may mắn đã trở về nhà ăn Tết cùng gia đình, nhưng vẫn còn hàng triệu người khác, phải chịu cảnh đón giao thừa ở những bến xe, tàu do không mua được vé.

Vật vã ngày trở về

Theo thống kê của Bộ Giao thông Trung Quốc, hàng năm vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2 tuần, trung bình có khoảng hơn 2 tỷ lượt hành khách di chuyển bằng các phương tiện đường bộ như ô tô và tàu hỏa. Không những thế, vài năm gần đây vào những ngày cận kề Tết, nhiệt độ tại các thành phố lớn của Trung Quốc luôn ở dưới 0 độ.

Tuy nhiên, mùa đông năm nay được cho là rét kỷ lục trong 5 thập kỷ qua vì thế việc đi lại càng thêm khó khăn. Hàng ngàn người xếp hàng chầu chực trong cái lạnh thấu xương chỉ mong mua được tấm vé về quê ăn Tết. Vì thế, để chống chọi với cái rét ngoài trời, hành khách nào đi mua vé cũng đều mang chăn màn và lò sưởi để trụ lại ở nhà ga.

Tại các thành phố lớn của Trung Quốc, ngày 9-1 là thời điểm các nhà ga và bến xe chính thức bán vé Tết. Ở Thượng Hải, bến tàu Thượng Hải đã xây một phòng bán vé mới với 130 cửa sổ bán vé tại quảng trường trước bến tàu. Công an đường sắt Thượng Hải đã điều phối 200 cảnh sát vào phòng bán vé duy trì trật tự và ngăn chặn tình trạng phe vé.

Ở Bắc Kinh, bến tàu miền Tây Bắc Kinh đã đưa tất cả hơn 290 cửa sổ bán vé vào hoạt động, trong đó có 158 cửa sổ bán vé tạm thời, 21 cửa sổ chuyên bán vé cho sinh viên. Tuy nhiên, những hoạt động sôi nổi này của các điểm bán vé dường như vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của những người muốn về quê ăn Tết.

Theo Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết, tình trạng quá tải các phương tiện di chuyển đường bộ năm nào cũng xảy ra vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Mặc dù Bộ này đã huy động nhiều lực lượng để tạo thuận tiện cho những người có nhu cầu về quê dịp Tết nhưng cũng chưa thể đáp ứng được hết do dân số quá đông.

So với năm 2010, Bộ Giao thông của Trung Quốc đã tăng thêm gần 600 chuyến tàu mỗi ngày trong đợt cao điểm này nhưng dường như chưa giảm được tình trạng quá tải. Hiện nay, tàu hỏa là lựa chọn tối ưu cho người dân Trung Quốc muốn về quê ăn Tết do tính an toàn và giá cả hợp lý.

Thứ trưởng đường sắt Trung Quốc - ông Vương Trí Quốc cho biết: Phải mất ít nhất 5 năm nữa mạng lưới đường sắt đang được mở rộng nhanh chóng của Trung Quốc mới đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Loại bỏ những con tàu chậm chạp

Theo Bộ Giao thông Trung Quốc, ước tính riêng trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán từ ngày 19-1 đến 27-2, có khoảng 230 triệu chuyến tàu, xe với 2,56 tỷ lượt hành khách về quê ăn Tết, tăng 11,6% so với năm ngoái.

Hiện tại, mọi tuyến đường sắt ở Trung Quốc trừ những tuyến dành riêng cho tàu tốc hành, được vận hành cho cả tàu chở hàng và tàu chở khách, vì vậy mà hạn chế sự phát triển của ngành vận tải hàng hóa.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc loại bỏ những con tàu chậm chạp sẽ mở ra không gian cho tàu chở hàng. Giáo sư Hu Xingdou, tại Viện Công nghệ Bắc Kinh cho rằng, cả hệ thống tàu chở hàng lẫn chở khách đều cần được mở rộng.

Theo Giáo sư Hu, việc xây dựng hệ thống đường sắt ở vùng trung tây Trung Quốc chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Vấn đề sẽ càng tồi tệ hơn nếu nhiều tàu chở khách bị loại ra khỏi khu vực.

Thực tế, đây là vùng có dân cư thu nhập thấp đông nhất Trung Quốc và tạo ra nhu cầu lớn nhất cho tàu hỏa. Một số chuyên gia cho rằng có thể dùng xe khách thay cho tàu hỏa, tuy nhiên giá vé của mỗi chuyến đi này quá cao so với thu nhập của một công nhân bình thường.

Một công nhân quê ở Vân Nam tính toán, bình thường một chuyến xe khách về quê anh ở tỉnh Vân Nam mất hơn 350 Nhân dân tệ. Tuy nhiên, vào mùa du lịch, dịp Tết, giá vé có thể tăng tới 800 Nhân dân tệ. Trong khi đó, vé tàu hỏa chỉ có 200 Nhân dân tệ. Không những thế, đi xe khách không an toàn bằng đi tàu.

Giáo sư Ji tại Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, trong tương lai một số tuyến đường sắt vận tải hàng hóa hiệu quả ít nên chuyển sang phục vụ hành khách sẽ tốt hơn. Khi đó, bên cạnh mạng lưới đường sắt cao tốc, những người lao động thu nhập thấp vẫn có thể lựa chọn tuyến tàu hỏa quen thuộc của họ.