Tấp nập từ đêm
Thấy tôi, lão Giàng A Bình - chủ quán ăn đầu cổng chợ Cán Cấu, cười nhe mấy chiếc răng vàng hất hàm hỏi: “Mày có buôn trâu đâu mà hay lên thế? Nhớ thắng cố, thèm rượu ngô Si Ma Cai nhà tao rồi hả? Có ăn không để tao còn biết mà phần, hôm nay chợ trâu phiên cuối rồi, đông lắm”.
Lái trâu xem hàng ở chợ Cán Cấu |
Tôi đùa lại: "Ông suốt ngày chỉ biết rượu với thịt, làm gì được thò cổ ra khỏi cái quán này mà biết chợ đông hay vắng". A Bình trợn mắt mắng lại tôi: "Mắt có vấn đề gì không vậy? Hôm nay tao phải nấu 2 mẻ thắng cố đấy, có nghĩa là khách đông gấp đôi, hiểu chưa? Tao chỉ cần ngồi múc thắng cố, đong rượu ngô là biết hôm nay chợ đông hay vắng mà”.
Dặn lão Bình để phần, tôi tụt dốc xuống khu vực tập kết trâu, bò - mặt hàng đặc sản của cái chợ ở lưng chừng trời này. Trộn lẫn trong màn sương vẫn còn như vón cục lại là những dãy trâu bò đã được buộc thẳng hàng. Thỉnh thoảng có con bị muỗi tấn công, đuôi cứ đập bôm bốp vào hai bên mông, và cố đánh sừng sang hai bên sườn quỳnh quỵch. Chợ trâu thời rét nhưng vẫn nhộn nhịp lạ thường. Có lẽ, do “đầu cơ nghiệp” của nhiều nhà bị chết nên họ phải đến đây lựa chọn trâu thay thế...
Không mong bán trâu cho thương lái
Ngồi hút thuốc lào đợi người đến mua đôi trâu mộng, anh Cư A Hoà, người xã Quan Thần Sán nói: "Tao và thằng con trai lớn phải dắt trâu đi từ chiều hôm qua, quá nửa đêm mới tới nơi. Phải bán thôi chứ không nó chết rét thì cả nhà có mà ăn cám. Với lại, bán lúc này chắc được giá vì nhiều người rất cần trâu cày sau đận rét. Bán trâu tao cũng đứt từng khúc ruột nhưng vẫn phải bán thôi. Lo tiền cho thằng con ăn Tết xong còn đưa nó xuống Hà Nội ôn thi đại học, còn lại cũng muốn tậu cái xe máy để đi Bắc Hà, Lào Cai xem Tết cho vui".
Ông Nguyễn Minh Lương
Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Lào Cai
Ngồi canh trâu nhà mình nhưng ông Tẩn A Trình mắt cứ nhìn ngược lên con đường nhựa chạy qua, nơi có những chiếc xe đeo biển số của các tỉnh: Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc và cả TP.HCM.
Lấy tay đếm lần lượt, A Trình thông báo với mọi người xung quanh: "Bây giờ đã có 12 ô tô đến ăn hàng rồi đấy, anh em phải bảo nhau mà bán. Dân lái không đánh xe lên để về không đâu. Sắp Tết rồi dưới xuôi năm nay chắc chắn thịt trâu sẽ cháy". Dù vậy, A Trình cũng bảo, không muốn bán cho thương lái bởi trâu, bò ở đây đều có sức kéo rất tốt, bán để làm thịt thì rất phí. “Rét như thế này, trâu, bò ở Tây Bắc chết như ngả rạ. Giờ lại bán để giết thịt thì mai mốt nông dân thay trâu, ngựa đi cày à?”, A Trình nói.
Không có trâu để bán như nhiều người, chị Seo kiên nhẫn ngồi đợi khách để xuất chú ngựa 8 tuổi nhà mình về xuôi. Chị bảo: "Khách trả 6,5 triệu rồi nhưng tao phải đợi nó quay lại tăng 200.000 đồng nữa mới bán để kiếm mấy cái áo Tết cho 3 đứa con nhỏ ở nhà. Con ngựa này thồ hàng rất khoẻ, mang về xuôi kéo xe là tốt lắm. Tao không muốn bán cho mấy anh hàng thịt, hoá kiếp nó sẽ mất đi một con ngựa tốt".
Chị Seo và bạn đợi bán ngựa |
Mới sáng rõ mặt người mà cả khu vực mua bán trâu, bò, ngựa của chợ Cán Cấu đã bị phủ kín bởi gia súc. Tiếng trâu nghé ọ nhớ đàn, tiếng bò mẹ tìm con lạc, ngựa hý xa bầy cứ vang xa cách mấy quả đồi cũng nghe rõ. Xen với đó là tiếng người mặc cả, trả giá làm vang cả một góc rừng.
Có mặt ở khu chợ từ sáng sớm, ông Trần Văn Phi - Chánh Văn phòng Huyện uỷ Si Ma Cai nói: "Những phiên chợ cuối năm này, dân Si Ma Cai xuất đi không dưới 500 đầu gia súc. Do đó, huyện phải huy động thú y kiểm dịch hết công suất và cả cảnh sát giao thông dẹp đường để tránh ách tắc”.
Nhìn da đoán thịt
Nâng mõm con trâu cái đang run rẩy bởi cái lạnh cắt thịt cắt da của nhà Đoàn, lái Phi bóp mạnh bộ hàm làm lộ mấy chiếc răng bàng bạc. Xong xuôi đâu đấy, lái Phi lại lấy tay bấu vào hai bên mông con trâu, rồi phán: "Con này tôi mua kịch giá 6,6 triệu, đố anh bán được hơn”.
Nhìn con trâu cái đầy đặn "căng mẩy" của mình, Vàng A Đoàn văng tục: "Mẹ, mày ép giá thế, trâu của tao to mà. Nếu mày mua trâu tao về đi cày, tao bán ngay giá ấy. Nhưng thứ mày chắc giết thịt nên không được”. Vỗ vỗ vào lưng con hàng, lái Phi bắt đầu múa môi: "Con trâu cái này thân ngắn, cổ cò, mông vai teo tóp, bụng căng do đầy hơi chứ đâu phải vì béo. Nếu mày không tin tao chốc nữa nó xì hơi ra, cả con trâu của mày chẳng lại dơ xương ra à?".
Bị bắt đúng thóp, nhà Đoàn liếc mắt đánh xéo một cái, rồi ngúng nguẩy: Mày đã nói thế, tao bán luôn. Giờ trả trước 200.000 đồng đặt cọc để tao ra đưa con vợ đi ăn sáng, làm bát rượu. Ăn xong, mày phải chồng đủ tiền nhé". Đợi nhà Đoàn đi khuất, lái Phi bật mí: "Tôi tính mua vài chục con chở lên Sa Pa bán cho đồng bào có trâu, bò chết rét. Nhưng lượn từ sáng giờ mà chỉ mua được vài con. Trâu của nhà Đoàn chắc chỉ về giết thịt, già khú đế thế làm sao mà cày với chả xới”.
Theo lái Phi, con trâu này giỏi lắm được 120kg thịt, với giá giao tại lò mổ 65.000 đồng/kg, trừ tiền vận chuyển, kiểm dịch, ăn uống dọc đường may ra còn lãi bộ lòng, da, vó, thủ. Nếu mua không tinh thì đảm bảo lỗ nặng...
Cũng trong chuyến hàng lùng mua trâu ở phiên chợ cuối năm, lái Thịnh (Long An) có mặt ở đây từ mấy ngày trước để đánh chuyến hàng cuối cùng. Thay vì mua ồ ạt, lái Thịnh cứ nhè những anh trâu mộng tròn như hạt mít có giá cao mà bắt.
Hai chú trâu có giá 32 triệu đồng được thương lái Thịnh mua đứt |
Dắt 2 con trâu với giá 32 triệu đồng vừa mua được, lái Thịnh mừng quýnh: Tưởng trâu, bò chết rét cả nên hàng sẽ khan. Ai ngờ trâu, bò ở đây vẫn nhiều bát ngát. Mới lượn một vòng, tôi đã mua được 2 con. Với tốc độ này, chỉ cần đến 10 giờ sáng tôi sẽ gom đủ hai chục con.
"Tôi đi đường xa nên phải kiếm trâu khoẻ, chứ chọn nhằm con yếu đi dọc đường có mà lăn ra chết. Tưởng trời rét sẽ quét sạch đàn trâu, bò, ai ngờ còn nhiều con to khoẻ lắm”, lái Thịnh sẻ chia.
Phiên chợ trâu mùa rét lại đúng dịp cuối năm nên người bán cũng đông, kẻ mua cũng nhiều. Vậy nên chẳng có gì là khó hiểu khi chẳng mấy chốc khu chợ ngót nghét nghìn con gia súc đã bị dồn cả vào những dãy xe tải dài nối đuôi nhau cả cây số. Những quán thắng cố, rượu ngô đã chật kín người. Cả người mua, người bán ngồi bá vai nhau ngất ngưởng mừng cho thành quả thu được ở phiên chợ trâu, bò...
Nguyễn Gia Tưởng