Dân Việt

Chút men nồng Xuân Thạnh

04/02/2011 12:01 GMT+7
(Dân Việt) - Không biết từ bao giờ dân Lục tỉnh biết tới ấp Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, Châu Thành, Trà Vinh bởi thứ rượu nếp êm thơm mỗi khi đặt lên môi.

Ông trưởng ấp Vĩnh Trường kể: "Hồi trước Xuân Thạnh là ấp to, năm 1997 được tách làm hai trực thuộc xã Hòa Thuận. Nghề nấu rượu truyền thống nằm trên ấp mới Vĩnh Trường. Thế nhưng, tên thương hiệu "Rượu Xuân Thạnh" vẫn không thay đổi". Theo trưởng ấp Vĩnh Trường, trong 30 lò rượu đang hoạt động thì chỉ có 5 lò chuyên nấu bằng gạo nếp.

 img
Rượu nấu theo phương pháp thủ công ở Xuân Thạnh. Ảnh: Khuynh Diệp

Trong đó, lò nhà cụ Nguyễn Văn Phát là nổi nhất. Thuở nhỏ cụ cùng cha mê nấu rượu đến độ hễ nghe có lính "nhà đoan" (nhân viên sở thuế của Pháp chuyên đi bắt những ai nấu rượu gạo) là lò rượu của cha con cụ đã di tản trước ra các vạt năn, vạt đế ngoài đồng hoang. Sau giải phóng, cụ Phát từng sản xuất “Rượu Mê Kông” đóng chai 0,75ml thi thố ngang ngửa với Vodka Nga. Giờ qua tuổi "cửu tuần", nghề nấu rượu được cụ Phát truyền lại cho con, cháu.

Sang lò rượu của ông Khứu Văn Tạo, chúng tôi thêm một lần thưởng ngoạn chất men nồng Xuân Thạnh. Ông Tạo kể: "Cha tôi là người Hoa, nhưng lại biết nghề nấu rượu nếp như cụ Phát. Nhờ cha truyền lại nên chúng tôi vẫn giữ nghề đến tận hôm nay". Sau khi rót chung (ly nhỏ) rượu mời khách, ông Tạo rù rì: "Thấy tăm sủi quanh thành ly, lại có mùi thơm phảng phất mới là rượu Xuân Thạnh thứ thiệt nghe, mấy chú!". Vợ ông Tạo tiếp lời chồng: "Rượu Xuân Thạnh nổi tiếng khắp Lục tỉnh không chỉ nhờ nước, nhờ khí, nhờ tay đun mà còn phải nhờ vào chất men.

Đây là loại men của ông Chiên ở phường 6 ngoài thị xã Trà Vinh sản xuất, dùng loại men này mới cho mỗi kháp được 4,5 lít rượu". Tôi nhẩm tính, với giá 15.000 đống/kg nếp, "đầu vào" của mỗi kháp rượu mất gần 140.000 đồng, chưa tính tiền men, tiền củi, công… để được 4,5 lít "rượu Xuân Thạnh thứ thiệt". Thấy tôi suy tư, ông Tạo tâm sự; "Nghề nấu rượu không có lãi, cái được chủ yếu nhờ thu lại bã hèm nuôi heo, nuôi cá...

Điều quan trọng nhất khiến chúng tôi vẫn nấu rượu là vẫn muốn giữ chữ tín với khách thập phương và gìn giữ hồn cốt của ông cha...”.