Dân Việt

Nhân duyên trang phục quan họ

03/02/2011 09:23 GMT+7
(Dân Việt) - Trang phục quan họ, một thời trang nay đã phổ biến, trang nhã và hào hoa, đi vào truyền thống trang phục dân tộc chính là một trong những đóng góp của thế hệ đầu thuộc Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh với những con người cụ thể.

Yêu nhau cởi áo…

Sau hai năm tổ chức cho cán bộ và diễn viên về các làng có truyền thống quan họ, tìm gặp những nghệ nhân có vốn hát phong phú để học hát theo đúng kiểu truyền miệng dân gian, Đoàn được giao nhiệm vụ hát biểu diễn phục vụ sản xuất và chiến đấu của nhân dân và bộ đội.

Một vấn đề đặt ra là từ một nghệ thuật ca hát giao đãi trong lễ hội, trong phong tục dân gian, nay lên sân khấu thì phải có phục trang như thế nào. Thật là một bài toán không dễ.

img
Các nghệ nhân quan họ làng Diềm.

Trang phục nữ được chú trọng đầu tiên. Áo, khăn, yếm, váy, dép, bao xanh, xà tích, túi giầu đủ thứ. Mở sách ra cũng chỉ thấy nói đến mớ ba mớ bảy. Câu hát Yêu nhau cởi áo cho nhau cũng chưa rõ là cởi cái áo nào, tại sao lại cởi? Chả nhẽ các cụ ngày xưa liều đến thế chăng?

Đầu tiên chọn áo tứ thân nhưng vì đây là áo chèo nên rõ là "đụng hàng". Bàn nhau đi về với dân để hỏi cho ra nhẽ. Các cụ bà bảo, đi lễ đi hội thì áo đẹp là mặc thôi, xuân thu nhị kỳ mùa nào thức ấy. Chủ yếu là áo năm thân, váy lĩnh thâm như các cụ đi chùa, đi chợ huyện. Ai giàu thì mặc mớ ba để cho ấm mà cũng để khoe sang, ống tay trong dài hơn ống tay ngoài, mở vạt áo đủ ba lớp lấp lóe ta đây áo đẹp, lộ cổ yếm đuôi én.

Thế là về quyết định may mỗi người ba chiếc áo năm thân có màu chênh nhau tí chút. Khổ nỗi là vải hiếm, bộ đội còn thiếu quân phục nữa là diễn viên. Vải thì làm gì đã lụa là, chủ yếu là vải chéo vải sồi, có pôpơlin là đã quý lắm rồi.

Ngày xưa đi hát khi trời se lạnh. Bây giờ giữa mùa hè cũng ra trận địa phục vụ, ba chiếc áo dày bận vào nóng không chịu nổi, mồ hôi tràn trề trôi hết cả son phấn dỏm, thủ công tự tạo bằng đất sét nhọ nồi. Hát xong trông như hề hết lượt, nhìn nhau mà ngao ngán.

Về Hiệp Hòa nơi đoàn sơ tán phản ánh lại. Lại chụm đầu bàn bạc. Ông Phạm Duy Tùng là họa sĩ của Ty Văn hóa được điều sang giúp Đoàn đưa ra sáng kiến của dân làm hàng mã: Đắp thêm vài miếng cổ giả lên một tấm áo làm ra vẻ mớ ba, vừa tiết kiệm vải vừa mỏng mảnh nhẹ nhàng, tôn đường nét thân thể chị em.

Thế là cái tà lật điệu đàng, ấn tượng ra đời. Ban đầu còn nhỏ nhẻ khiêm tốn, càng ngày càng to ra, gây ấn tượng mạnh mẽ. Người may bộ này đầu tiên là cụ Kiện ở Thị Cầu, may tay, đường kim mũi chỉ nuột nà.

Duyên qua đường

Váy thì không khó, vải chéo đen hoặc sồi nhuộm thâm, dày dặn nhưng cũng rất lụng thụng. Ai cao còn đỡ, ai thấp trông chả khác gì bà đi cấy ruộng mùa. Được cái lúc đó cũng lạ mắt và mang vẻ cổ truyền.

Nón và dép mới là cơ khổ. Anh Nguyễn Duy Tấn, con rể Trưởng đoàn Nguyễn Đức Siêu, vốn là người phụ trách cơ sở vật chất của Đoàn được giao đi sắm. Theo hướng dẫn của bố vợ, trước làm ở Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, anh đạp xe từ Bắc Giang về làng Chuông, Hà Tây đặt nón thúng quai thao như sách viết.

Cụ Điệm là thợ cao tuổi nhất làng. Mò được đến, cụ cười khà bảo, ngoài cụ ra không ai làm được. Chè thuốc xong, cụ với tay lên giàn bếp cầm cái khuôn thì ôi thôi, nó lâu ngày bị mọt xơi rời ra từng mẩu một. Bác cháu nhìn nhau không biết ra sao nữa. Cụ gợi ý nên làm nón thúng quai thao như bên chèo vậy, vừa rẻ hơn lại sẵn khuôn.

Lại đạp xe về Đoàn xin ý kiến. Đoàn cũng đành đồng ý vì thời gian đã gấp gáp. Chiếc nón ba tầm thế mà đi với trang phục lại rất hợp rồi cũng trở thành quen. Đến dép cong mũi thuyền thì chịu. Lùng hết phố xá Hà Nội không đâu có.

Chán nản, sà vào hàng người thợ chữa giày hè phố Tràng Thi ngồi hút thuốc lào, tiện thể vu vơ than vãn. Không ngờ bác thợ nói rằng có thể làm được nhưng thời buổi này kiếm đâu ra da thuộc, anh có chịu cắt cái ca-táp da kia ra thì tôi làm cho.

Mừng quá, chạy về liên hệ với bên quân nhu họ để lại cho ít cặp da Liên Xô cấp tá. Thế là lo xong dép. Mấy năm liền diễn bằng bộ dép mỏng dính đó. Khổ nỗi, diễn viên chiều cao khiêm tốn, áo váy thì lùng bùng, dép thì đế quá thấp, lên sân khấu ai cũng như cụm rạ mùa chụm vụng, về sau đành bỏ dép đó đi để đi guốc cao hơn.

Khăn mỏ quạ cũng được lựa chọn thay cho chiếc khăn đầu rí vốn là của tục hát chầu văn, thế mới rõ là cái khăn đội đầu như thể hoa sen.

Trang phục nam dễ hơn, khăn xếp thay bằng khăn đóng, áo dài lương, quần ống sớ, giày Chí Long hoặc giày Gia Định, ô đen lục soạn như trong sách sưu tầm đã ghi vào năm 1962. Những vai diễn phụ khi dựng hoạt cảnh hoạt ca ăn mặc nâu sồng cổ truyền.

Như vậy thời trang đủ bộ quan họ như ngày nay đã ra đời từ đó, đầu những năm 1970. Ngày nay, trong các lễ hội dân gian, ta thấy cơ ngũ các liền anh liền chị trang phục rực rỡ và đầy bản sắc, mấy ai nhớ đến những người đã lao tâm khổ tứ cho việc hình thành nên mốt thời trang độc đáo này. Vẻ đẹp quá khứ đã sóng sít bên vẻ đẹp cách tân để tạo nên nét riêng tình tứ và nền nã của người quan họ hôm nay.

Đoàn dân ca quan họ đã lặng thầm đóng góp cho Di sản văn hóa phi vật thể thế giới từ những yếu tố nhỏ nhặt như vậy.