Tộc người Đan Lai, bên dòng sông Giăng (Vườn quốc gia Phù Mát, Con Cuông, Nghệ An) có một tập tục kỳ lạ.
Thuyền chạy dọc sông Giăng giữa trời đông rét mướt, hàm răng du khách "đánh đàn" lộp cộp trong miệng. Đột nhiên, ta lạnh toát sống lưng khi nhìn thấy từ trên cao, cu cậu người Đan Lai làm một cú lộn nhào đánh tùm xuống nước. Rồi hai bên bờ sông, từng tốp người cả già trẻ, trai gái ngâm mình dưới nước. Những thiếu nữ Đan Lai thấy người lạ vùng dậy, lấy tay che đôi ngực trần chạy bổ vào lùm ry ry tua tủa...
Phụ nữ Đan Lai vẫn cho con tắm rửa ở sông Giăng trong những ngày mùa đông. |
Cụ ông La Văn Hiểu, 76 tuổi, người Đan Lai cao tuổi nhất của bản Khe Búng, nơi sông Giăng hình thành từ những con suối ở bên Lào đổ về. Cụ chỉ khoác trên mình 2 chiếc sơ mi cũ, đứng bên sông Giăng mà kể về xuất xứ cái tập tục tắm cho trẻ con của bộ tộc mình, của bản thân và 6 đứa con của mình.
Cụ nói: Khi bọn trẻ vừa lọt lòng mẹ (mà theo quan niệm của cụ là chui ra từ chỗ không được sạch sẽ cho lắm), nên phải được tắm rửa ngay. Công việc này là của những bà mẹ vừa qua cơn vượt cạn cam go. Đàn ông Đan Lai kiêng làm những việc không "tao nhã" đó.
Người mẹ bế đứa con ra sông Giăng tắm, không kể mùa hè hay mùa đông, nước sông mát hay lạnh. Sinh linh bé bỏng co rúm, giãy giụa và khóc thét lên khi làm quen với môi trường sống một cách đột ngột. Đứa trẻ nào vượt qua được thử thách đầu đời dưới suối mới chính thức được xem là một thành viên của người Đan Lai.
Trung tá Nguyễn Văn Vượng - Đồn trưởng đồn Biên phòng Môn Sơn, phụ trách địa bàn cho biết: "Tục tắm cho trẻ sau khi sinh dưới sông Giăng cùng với nhiều tập tục, phương pháp canh tác của người Đan Lai không còn phù hợp nên được đơn vị tuyên truyền, thay đổi. Phần lớn trẻ mới sinh đã được tắm trong nhà bằng nước nóng. Những bà mẹ Đan Lai trẻ tuổi và phụ nữ dân tộc Thái làm dâu người Đan Lai như cụ bà La Thị Tiến và các cô con gái mà chúng tôi gặp ở bản Cò Phạt cũng không tắm con dưới suối ngay sau khi sinh ra nữa".
Bảo An