Tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê tăng lên đột biến trong thời gian gần đây. Tại tỉnh Hà Giang không chỉ đàn ông, thanh niên trai tráng, còn có nhiều phụ nữ, thậm chí cả học sinh, cũng bị dụ dỗ, lôi kéo dấn thân vào kiếp làm thuê ở xứ người.
Những lao động "chui" được trao trả về nước. Ảnh: Thái Hà. |
Tiền mất, tật mang
Làn sóng di cư sang Trung Quốc tìm việc làm thuê ở xã Xà Phìn, H.Đồng Văn bắt đầu rầm rộ cuối năm 2011. Khi thấy người trong xã nườm nượp rủ nhau đi làm thuê ở phía bên kia biên giới, anh Sùng Mí Giàng tìm cách gia nhập đội quân di cư, ấp ủ hy vọng mang tiền về quê mua bò chăn nuôi.
Sùng Mí Giàng kể: "Đầu tháng 2.2011, tôi tìm được việc làm trong cơ sở chế biến gỗ ở khu vực giáp biên trong tỉnh Vân Nam. Công việc không cố định, bởi có ngày, tôi bị chủ điều đi làm phu hồ ở công trường xây dựng. Theo thỏa thuận, họ trả công lao động là 120 tệ mỗi ngày, lương trả theo tháng. Nhưng làm việc đến hết tháng thứ 7, ông chủ chỉ trả lương đến tháng thứ 3".
Phần lớn số lao động sang Trung Quốc làm việc đi theo đường mòn, sông suối không qua các cửa khẩu, không có giấy tờ xuất cảnh chiếm trên 94%. Về thời gian làm việc cũng rất đa dạng, bao gồm sang làm việc hằng ngày, định kỳ, theo mùa vụ hoặc làm việc dài hạn...
Không bằng lòng, Giàng tìm cách tiếp cận, thuyết phục trả lương sòng phẳng nhưng mỗi khi đặt vấn đề tiền bạc, chủ luôn có thái độ khó chịu và cố tình chây ì. Cực chẳng đã, Giàng đành bỏ việc về VN, bỏ luôn số tiền còn bị chủ thiếu nợ 8.000 tệ. "Mình chấp nhận mất tiền thôi, chứ ở đấy làm không công mãi cho nó sao được, về nhà tìm việc khác thôi", anh Giàng nói.
Theo bạn bè vượt biên đi làm thuê, trở về không một xu dính túi, Vừ Mí Phừ (23 tuổi, thôn Xóm Mới, thị trấn Phó Bảng, H.Đồng Văn) trải qua những giờ phút kinh hoàng khi bị Công an Trung Quốc bắt giam.
Vừ Mí Phừ kể: "Một tối, chúng tôi vừa ra khỏi nông trường đang trên đường về nhà thì bất thình lình công an mặc cảnh phục ập tới. Họ cầm súng uy hiếp, bao vây khống chế nhóm 15 lao động VN. Trời nhập nhoạng tối, tình huống diễn ra quá đột ngột và quá sợ hãi nên cả nhóm đứng ngây người, không một ai dám bỏ chạy. Nhóm lao động bị công an bắt gọn, áp tải về đồn".
Mí Phừ vén áo, chỉ chúng tôi xem vết sẹo dài thườn thượt bên tay phải là bằng chứng sau những trận đòn thẩm vấn. "Lần đầu tiên thẩm vấn, vì không biết họ yêu cầu gì nên Phừ có hành động khiến họ không hài lòng. Không nói không rằng, viên công an đứng bên cạnh cầm gậy phang thẳng vào người. Cú đánh mạnh khiến Phừ choáng váng, mặt mũi tối sầm, người chao đảo rồi ngã vật xuống sàn nên bị rách da tay. Còn lần thứ hai, công an cũng cầm thanh sắt quất mạnh vào bắp tay. Khi thấy máu tứa ra, họ có gọi bác sĩ đến nhưng cũng chỉ xử lý vết thương qua loa. Những ngày sau đó, họ không đoái hoài đến nữa, vết đánh bầm dập và tụ máu rồi thành cục sẹo như bây giờ", Phừ nhớ lại với vẻ mặt chưa hết kinh hãi.
Đi làm "chui" ở Trung Quốc, Vừ Mí Phừ đã bị đánh đến độ mang đầy thương tích. Ảnh: Thái Hà. |
Những ngày bị giam giữ, nhóm của Phừ chỉ được ăn uống qua loa, đa phần là thức ăn thừa cầm cự qua ngày. Sau 7 ngày trong đồn, cả nhóm bị đưa đi lao động ở bên ngoài.
"Họ bảo khi nào làm đủ tiền bù chi phí giấy tờ, thuê xe lên biên giới thì trả về VN. Đi làm khoảng 1 tháng, nhóm của Phừ được phía Trung Quốc trao trả qua Đồn Biên phòng Phó Bảng. Giữ được mạng về nhà là tốt rồi, từ giờ có cho thêm tiền Phừ cũng không dám sang biên giới làm thuê nữa", Vừ Mí Phừ nói.
Chết không được bồi thường
Cùng ở thị trấn Phó Bảng, Vừ Mí Súng (26 tuổi) sang bên kia biên giới làm thuê từ lời rỉ tai, hứa hẹn trả lương cao từ một người Trung Quốc lạ mặt gặp ở chợ phiên. Súng cho biết, họ đến chợ tìm người làm thuê nhưng không công khai mà rỉ tai từng người. Người này hứa trả 70 tệ mỗi ngày, ai đi thì liên hệ.
Nghe bùi tai, nhóm lao động VN gồm 7 người, trong đó có Súng tìm đường sang Trung Quốc. Theo hướng dẫn của người này, cả nhóm đi bộ theo đường mòn để tránh sự kiểm soát của biên phòng rồi lựa thời cơ vọt qua đường biên giới. Sau đó, nhóm tiếp tục đón ô tô đến TP.Nam Ninh nhận việc trồng cây.
Đi làm được 1 tháng rưỡi, lương chưa nhận một đồng. Giữa đêm đang ngủ, công an vào tận giường tống hết lên đồn. Chẳng ai có giấy thông hành, lại không nói được tiếng Trung. Mỗi lần bị thẩm vấn, không làm đúng ý là lập tức bị công an lấy đầu gối thúc vào ngực, bụng.
Nhóm của Súng có 2 người bị đánh đến thâm tím mặt mày. "Gần 20 ngày trong đồn, cả nhóm bị bắt ra ngoài đi trồng rau, nuôi lợn. Đêm đến thì bị nhốt trong phòng bé tẹo, cũng không có chăn màn. Không đủ chỗ nằm, anh em nằm cả ra sàn, muỗi đốt sưng người. Nhưng đêm đến mọi người hầu như không dám ngủ. Chỉ sợ cảnh sát đưa đi nơi khác. Nhiều đêm thức trắng, tôi từng nghĩ mình không còn cơ hội về với vợ con", Súng nghẹn ngào kể lại.
Được trao trả đưa về VN, Vừ Mí Súng mừng như bắt được vàng. Ngẫm lại sự việc đã qua, Súng nhận định cả nhóm đã bị chủ lừa, dùng thủ đoạn để quỵt tiền công. Bởi sau đó, Súng có nhờ hỏi địa chỉ của ông chủ, đến chợ phiên tìm người thuê lao động đòi tiền công nhưng không ai biết người này ở đâu.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Thanh Long cho biết lao động VN chủ yếu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, không có giấy tờ hợp pháp, không được ký hợp đồng lao động nên không có cơ sở pháp lý để đấu tranh quyền lợi nếu xảy ra tai nạn lao động hoặc nhờ phía Trung Quốc can thiệp.
"Như một vài trường hợp ở các huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn khi đi thì không khai báo. Sang đến bên kia bị tai nạn lao động, có trường hợp tử nạn, nhà chức trách ở đó mới thông báo đại diện gia đình, chính quyền VN qua nhận thi hài. Họ chỉ hỗ trợ chi phí đi lại, đưa thi hài về nước, ngoài ra không có khoản đền bù nào cả nên rất thiệt thòi", ông Long chua xót nói.