Dân Việt

Vụ lúa lép: Nếu hỗ trợ bằng giống, nông dân sẽ tiếp tục bị thiệt hại

24/05/2013 11:37 GMT+7
Dân Việt - Liên tục trong những số báo gần đây, Dân Việt đã thông tin về sự cố hơn 16.000 lúa BC15 do Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cung ứng bị lép hạt, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.

Sau loạt bài này, Dân Việt đã nhận được ý kiến của một chuyên gia cao cấp (xin được giấu tên) của Bộ NNPTNT về vấn đề này. Để dư luận hiểu rõ hơn sự việc, Dân Việt xin được đăng tải lại toàn bộ ý kiến của vị chuyên gia này. 

img
Nông dân Nghệ An mất mùa vì nhiều diện tích lúa BC15 không có hạt.

Sự cố hạt giống BC15 bị lép lại đẩy cuộc sống của một bộ phận nông dân tới bước đường cùng cực, làm bùng lên dư luận xôn xao cả nước. Chưa thật rõ nguyên nhân ra sao, nhưng được biết các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp cung cấp lúa giống đã vào cuộc, nhưng vẫn còn tiếp tục tranh cãi.

Song dù do nguyên nhân gì đi chăng nữa, thì không thể nguyên nhân nào dẫn đến rủi ro đều đổ cho thời tiết, đổ cho ông trời là êm ấm mọi chuyện. Còn người nông dân 1 nắng, 2 sương làm ra hạt lúa để nuôi sống con người, thì biết đổ lỗi cho ai hay chỉ ngậm ngùi cay đắng với số phận nghiệt ngã, hẩm hiu. Bao chi phí cho con cái đi học, bữa ăn hàng ngày đều trông vào cây lúa, mà cánh đồng trước mắt họ lại trắng phớ một màu thương tâm. "Có nằm trong chăn mới biết chăn có giận". Đứng trước thảm cảnh này chúng ta hãy lắng đi tranh luận để nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu an dân để lấy lòng tin.

Chiều ngày 21.5, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cùng các nhà khoa học đã có kết luận trên 16.000ha lúa gieo cấy giống BC15 bị lép; gây tổn thất nặng nề cho nông dân. Đây chưa phải là con số cuối cùng về thiệt hại của giống BC15, mới là thống kê nhanh chưa đầy đủ và chưa có các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Hoà Bình, thành phố Hà Nội… chưa kể đến diện tích bị thiệt hại mất trắng hay giảm năng suất lúa bị đạo ôn như các tỉnh Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương…

Dự kiến, thiệt hại đến vài trăm tỷ đồng là cái chắc, không bàn cãi; hàng vạn hộ nông dân lâm vào cảnh thiếu đói và trắng tay sau những ngày lam lũ dẫn tới hậu quả xã hội vô cùng to lớn; rồi ngân sách nhà nước lại phải rút hầu bao để hỗ trợ phần nào, mà ngân sách hiện tại cũng rất khó khăn.

Qua đây, chúng ta cần thẳng thắn kiểm điểm để rút ra một số vấn đề cơ bản nhằm điều chỉnh công tác điều hành qua sự cố giống BC15 để nông dân Việt Nam không phải gánh chịu những rủi ro đáng tiếc. Bởi lẽ, giống BC15 là giống lúa thuần được chọn lọc cá thể từ giống IR17494 và được Bộ NNPTNT công nhận giống Quốc gia năm 2008.

Do đây là giống lúa thuần nhiệt đới, nên bản chất của nó là dễ nhiễm đạo ôn, mẫn cảm với nhiệt độ thấp và chịu rét kém, đặc biệt dễ nhiễm bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông vào vụ Đông Xuân có thể mất trắng (Lào Cai, Hải Phòng, Hải Dương, Bình Định....). Đặc biệt, năm nay trong điều kiện sản xuất nông nghiệp vẫn được mùa và không có giống nào bị mất mùa như BC15, qua đó ta phải kết luận và có sự chỉ đạo sát thực tiễn như sau:

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra, đánh giá trung thực thiệt hại để có biện pháp chỉ đạo kiên quyết, tránh để lặp lại tình trạng này. Trên 16.000 ha lúa bị lép, nguyên nhân là do khả năng chống chịu của giống kém với biến đổi của khí hậu (các giống khác trong cùng điều kiện trỗ bông về nhiệt độ và độ ẩm đều không bị lép), đây là giống mẫn cảm với thời tiết và đặc biệt là khả năng kháng bệnh đạo ôn rất kém, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần so với giống khác, hủy hoại môi trường sống và ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng; trong khi hiện nay nông dân có rất nhiều sự lựa chọn giống có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt giúp cho nông nghiệp phát triển bền vững hạn chế rủi ro cho nông dân.

Vì vậy, kiến nghị không đưa vào cơ cấu sản xuất vụ Xuân của miền Bắc giống lúa nói trên như chỉ đạo của UBND và Sở NNPTNT các tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên đã làm và có biện pháp quản lý tốt thị trường. Việc công nhận các giống mới yêu cầu phải có bộ tiêu chí rõ ràng phải kết hợp cả năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu với sâu bệnh và sự biến đổi thời tiết.

- Đối với cơ quan quản lý địa phương: yêu cầu phải bố trí cơ cấu giống hợp lý, không nên quá tập trung vào một giống để phân tán rủi ro và đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái; đặc biệt những giống nhiễm bệnh nặng phải có cách nhìn khác về hiệu quả, năng suất cao nhưng chi phí phải giảm thì mới có hiệu quả và phải có khuyến cáo cho bà con nông dân.

- Đối với doanh nghiệp khi quảng bá và truyền thông sản phẩm giống phải trung thực và đúng mức.

Việc khắc phục hậu quả giống BC15 hiện nay là rất nặng nề; cần có sự chia sẻ của cả nhà nước, doanh nghiệp với nông dân, vì đây là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của nhà nước phải theo đúng các quy định hiện hành, nên phải có thời gian.

Trong khi đó thời vụ đã đến và thực sự nông dân rất khó khăn, nên yêu cầu Tổng Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình phải chủ động có phương án chia sẻ cho nông dân vùng thiệt hại, việc hỗ trợ phải thể hiện trách nhiệm và quy định công khai mức hỗ trợ.

Việc hỗ trợ này phải được tính bằng tiền, có tiền nông dân sẽ mua được giống, được vật tư và gạo với giá rẻ nhất. Tránh tình trạng hỗ trợ bằng hiện vật (giống) với giá bán rất cao và nông dân lại thêm một lần bị thiệt hại nữa. Đặc biệt, việc hỗ trợ bằng giống chỉ có ý nghĩa khi Công ty cho không và không được tính vào đền bù. Chỉ cần doanh nghiệp chia sẻ cho bà con nông dân 50% lợi nhuận của mình, sẽ giảm bớt khó khăn cho nông dân.