Báo cáo từ các nhà địa chất nhấn mạnh, dựa trên những nghiên cứu lớp đá trầm tích từ cách đây hàng triệu năm, có thể khẳng định sự gia tăng khí nhà kính như hiện nay sẽ khiến loài người đối mặt với việc thay đổi nhiệt độ và tuyệt chủng của các loài một lần nữa.
Giáo sư Jim Zachos, thuộc Đại học California, Mỹ, cho biết, 55 triệu năm trước núi lửa hoạt động mạnh “nhả ra” khoảng 4.500 tỷ tấn khí nhà kính vào khí quyển. Chính điều này đã khiến cho hành tinh nóng lên khoảng 6 độ C, buộc toàn bộ hệ sinh thái phải sớm thích ứng để tồn tại hoặc chết.
Giáo sư Zachos cho rằng, nếu thế giới vẫn tiếp tục “bơm” khí nhà kính như ở mức hiện nay, thì chỉ trong vòng một trăm năm tới, sẽ có khoảng 5.000 tỷ tấn khí nhà kính thải vào bầu khí quyển. Điều này sẽ khiến nhiệt độ tăng nhanh hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử và có thể làm tuyệt chủng hàng loạt các loài động thực vật.
"Những tác động này được dự báo là nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều so với 55 triệu năm trước" - ông Zachos nói.
Báo cáo còn cho biết, việc nhiệt độ Trái đất tăng thêm 5-6 độ C nữa sẽ không xa nếu vẫn duy trì lượng thải khí nhà kính như hiện nay.
Xuân Trang