Năm 2011 khởi đầu với nhiều điểm sáng về chính trị, kinh tế và xã hội, đây chính là động cơ khích lệ tinh thần và củng cố niềm tin cho người dân. Trong những năm vừa qua, Việt Nam không chỉ vượt lên được cuộc khủng hoảng toàn cầu mà còn biết biến chuyển khó khăn thành cơ hội để đạt được tăng trưởng cao.
Bản đồ bán lẻ toàn cầu đang hướng về các thị trường đang phát triển có tiềm năng lớn như Việt Nam. Diện mạo của người tiêu dùng tại đây đang thay đổi mỗi ngày và "quyền lực của người tiêu dùng" đã ở khắp mọi nơi.
Ông Pascal Billaud – Tổng giám đốc hệ thống siêu thị BigC |
Thị trường đang chuyển sang một kỷ nguyên bán lẻ mới và chúng ta cần phải sẵn sàng để đáp ứng và đón đầu được ba thay đổi lớn. Thứ nhất là tăng trưởng dân số, tái phân bổ chi tiêu gia đình, di dân ra thành thị và hàng năm có thêm 1 triệu khách hàng mới.
Thứ hai là thay đổi trong nhu cầu của người dân, chuyển từ thực phẩm sang phi thực phẩm và dịch vụ, điều đó đòi hỏi hệ thống phân phối phải tổ chức lại để thích ứng. Cuối cùng, tập quán tiêu dùng cũng thay đổi, công nghệ thông tin và du lịch cho phép người dân tiếp cận với mọi lĩnh vực và con người là trung tâm của cả xã hội, điều này đòi hỏi các nhà bán lẻ phải có những chiến lược thích ứng để phục vụ hiệu quả người tiêu dùng.
Doanh nghiệp luôn phải tiến lên phía trước nhưng tốc độ không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công mà còn phải chú trọng đến việc tạo ra sự khác biệt để tăng thêm giá trị thặng dư cho khách hàng.
Với một nhà bán lẻ, sự khác biệt đó phải được thể hiện qua sự tôn trọng đối với người tiêu dùng, nỗ lực mỗi ngày để mang lại cho họ giá cả tốt nhất, chất lượng kiểm soát và dịch vụ ngày càng hoàn thiện. Bên cạnh đó, cũng cần làm tròn trách nhiệm của một doanh nghiệp với xã hội và cộng đồng bằng những đầu tư nhất định vào công tác xã hội và phát triển bền vững.
Pascal Billaud - Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị BigC
Ngọc Minh (ghi)