Dân Việt

Gặp người muốn tặng quà Thủ tướng

08/02/2011 07:07 GMT+7
(Dân Việt) - "Em muốn thông qua đó để nói với những người đứng đầu Nhà nước có cách giúp người dân Quỳnh Nhai giữ được rừng cho con cháu” - anh Bạc Cầm Sướm, ở thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La tâm sự.

“Em chỉ muốn được tặng bộ bàn ghế này cho Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội! Không phải để xin cái gì cho mình hoặc lấy oai phong, mà em muốn thông qua đó để nói với những người đứng đầu Nhà nước có cách giúp người dân Quỳnh Nhai giữ được rừng cho con cháu...” - anh Bạc Cầm Sướm, ở thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La tâm sự.

Khát vọng làm thuốc cứu người

Mới hơn 30 tuổi đời nhưng Sướm đã có gương mặt chín chắn của người ở độ tuổi 40: "Tuổi thơ của em ở đất Quỳnh Nhai này gian khó lắm. Cũng ăn đói, mặc rách, hứng chịu sương trời, gió núi như bao người khác trong bản, nhưng em may mắn hơn nhiều bạn vì được bố mẹ cho đi học chữ".

img
Anh Sướm mong muốn bộ quà tặng của mình góp phần giữ được rừng nghiến Quỳnh Nhai.

Quỳnh Nhai là địa bàn cách xa trung tâm tỉnh tới trăm cây số. Dân cư chủ yếu dân tộc thiểu số nên đói nghèo, lạc hậu ngự trị vùng đất này nhiều năm. Cứ nghĩ tới những người thân quen của mình bị ốm đau vật vã mà không dám đi bệnh viện vì đường xa, không có tiền; không ít người đã chết do thiếu hiểu biết vì khi ốm chỉ biết cúng bái, uống nước lá, rễ cây; cán bộ y tế đến với dân thì không biết tiếng nói nên hiệu quả tuyên truyền cũng không cao, "vì thế em luôn muốn làm thầy thuốc" - Sướm nói.

Lớn lên, Sướm đã được toại nguyện mơ ước làm thầy thuốc của mình nhờ một khoá đào tạo trung cấp y ngay tại địa phương. Ra trường, Sướm lại xin về chính mảnh đất quê hương để công tác ở Trạm Y tế xã Mường Giàng - nơi anh đã sinh ra, lớn lên và muốn cống hiến tâm sức của mình để chăm sóc sức khoẻ nhân dân. "Làm mãi mà không được tiếp nhận vào biên chế, không có điều kiện theo nghề, nên em đành về làm nông nghiệp".

Nhưng cái nghiệp cứu người cứ đeo đuổi Sướm, thế là sau gần 2 năm làm nông dân, Sướm lại đi học tiếp một lớp trung cấp dược. “Tuy không được thành cán bộ y tế của Nhà nước, nhưng em có điều kiện mở hiệu thuốc Tây, kết hợp với kiến thức y tế học được để bán thuốc, chữa bệnh được hiệu quả hơn".

Những bệnh đơn giản như cúm, ho, sổ mũi, thương tật nhẹ, đau bụng do giun, sán... của dân bản cũng nhờ thế mà giảm hẳn. Bệnh nào nặng, Sướm khuyên dân đến bệnh viện là họ nghe lời ngay vì rất tin cán bộ y tế người dân tộc mình. Vậy là tuy không làm bác sĩ trực tiếp chữa bệnh cho người dân, nhưng Sướm vẫn được góp phần chăm sóc sức khoẻ cho bà con trong xã, bản.

Doanh nhân kiêm thợ mộc

img Việc tàn phá rừng nghiến ở khu vực Mường Giàng, Quỳnh Nhai vừa qua là do ảnh hưởng của quá trình di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La nên không có cách nào ngăn cản được triệt để. Nhiều lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đến đây và nghe tôi báo cáo thực trạng, đề xuất giải pháp, nhưng cũng chưa có giải pháp hữu hiệu img

Ông Lường Văn Hom -Cán bộ pháp chế Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai, Sơn La

Bốn năm qua, thực hiện di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La, vùng quê Mường Giàng của Sướm trở thành trung tâm huyện lỵ mới của huyện Quỳnh Nhai. Nắm bắt thời cơ mới, Sướm đã cùng gia đình đầu tư mở thêm một nhà nghỉ cho khách để tăng thu nhập. Sướm phục vụ chu đáo nên khách chẳng bao giờ vắng, thu nhập cũng tăng nhanh, thêm vốn để đầu tư phát triển hiệu thuốc Tây.

Nhìn Sướm lam lũ thế, ít ai tin anh có số vốn liếng lên đến nhiều tỷ đồng. “Cả cái cơ ngơi bằng gỗ và hàng chục bộ bàn ghế gỗ và đống gỗ lũa kia đều tự tay em kiếm về, tự tay gia công cả đấy” - Sướm thổ lộ.

Nói rồi Sướm đưa tôi đi thăm gian xưởng mộc của anh nép sau khu nhà nghỉ. Vừa bước vào xưởng, tôi đã giật mình trước một bộ bàn ghế sa lon đang đóng dở bằng thứ vật liệu gì đó rất lạ: Xù xì, gai góc, bóng loáng và đầy hoa vân rất đẹp.

"Gỗ nghiến nguyên thuỷ của đất Quỳnh Nhai đấy anh ạ. Chất liệu này chỉ có thể có từ những cây nghiến ba trăm đến hàng ngàn năm tuổi. Nó là mắt nghiến, rất quý và cứng hơn cả gỗ nghiến bình thường. Bây giờ người ta gọi là "ngọc nghiến".

Trước đây nó là thứ người ta bỏ đi hoặc chỉ dùng đốt để lấy than vì nếu gặp mắt nghiến mà không biết cách cưa, đục thì chỉ có hỏng đồ nghề. Người có tiền, ham chơi đồ gỗ ở đây cứ sôi lên sùng sục vì ngọc nghiến.

Hàng trăm ha rừng nghiến của Quỳnh Nhai bây giờ, đố anh tìm được một cái mắt nghiến nào còn nguyên vẹn. Em từ nhỏ gắn bó với cánh rừng nghiến cả ngàn năm tuổi này nhưng cũng mới phát hiện ra mức độ quý giá của mắt nghiến được vài năm nay.

Sau khi em chế biến mắt nghiến thành những thứ đồ gia dụng đẹp như bàn, ghế, lọ độc bình... thì dân Quỳnh Nhai mới đổ xô đi tìm mắt nghiến. Bây giờ mắt nghiến quý như vàng...”.

Tặng quà để giữ rừng

Đang nói chuyện, chợt Sướm trầm hẳn xuống: “Em đang đóng dở bộ bàn ghế này bằng chất liệu từ mắt nghiến và dám cam đoan rằng chưa ai có bộ bàn ghế như thế này, trị giá 300-500 triệu đồng đấy. Nhưng em không dùng bộ bàn ghế này mà muốn tặng nó cho Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội.

img
Hai chiếc ghế trong "bộ quà tặng" của anh Sướm đã được hoàn thành.

Anh đừng nghĩ em ham muốn danh tiếng hay chơi trội. Thật ra em rất tiếc cánh rừng nghiến ngàn năm tuổi ở đất Quỳnh Nhai này đang bị tàn phá dữ dội trong mấy năm gần đây mà chẳng biết kêu ai được. Nhiều người dân cũng xót rừng nghiến lắm, nó là niềm tự hào của Quỳnh Nhai. Em muốn thông qua bộ bàn ghế này để kêu với Thủ tướng, Quốc hội xin một cơ chế bảo vệ rừng nghiến cổ thụ Quỳnh Nhai cho hữu hiệu. Mong sao tới đời con, cháu em vẫn được thấy cánh rừng nghiến này tồn tại”.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai thì mặc dù căn nhà của anh Sướm phải sử dụng tới cả trăm khối gỗ loại tốt, nhưng số gỗ này hoàn toàn do anh Sướm tận thu từ số gỗ khi khai thác mở rộng đường 279 trong mấy năm trước. Các sản phẩm khác từ gỗ trong nhà anh Sướm hiện nay như gốc cây, bàn, ghế cũng đều là thu mua lại và đã được kiểm lâm kiểm tra, không có dấu hiệu tham gia phá rừng hoặc tiếp tay cho lâm tặc.

Thấy tôi cứ nhìn chằm chằm, Sướm bảo: “Anh đừng thấy em đang sử dụng cả trăm mét khối gỗ mà nghĩ là em tham gia phá rừng. Thật ra mỗi tấc gỗ của em đều được mua lại từ nghiến khô hoặc tận dụng những thứ người ta bỏ lại sau khi khai thác một cây nghiến.

Mỗi lần vào rừng, thấy một cây nghiến đại thụ bị đốn hạ là em đau lòng lắm. Dân Quỳnh Nhai kêu đã nhiều, báo chí cũng đã viết nhiều bài về sự tàn phá quá dã man với cánh rừng nghiến đại thụ của Quỳnh Nhai mà chẳng ăn thua gì.

Rừng vẫn cứ bị tàn phá ngày một cạn kiệt. Vì thế nên em cố tìm mua những mắt nghiến đại thụ, bỏ thời gian, công sức để đóng bộ salon này, những mong làm quà tặng lãnh đạo cao cấp, mong các bác ấy để tâm đến cánh rừng tâm linh của người Thái Quỳnh Nhai”.

Nếu không tặng được Thủ tướng hoặc Quốc hội, anh Bạc Cầm Sướm muốn nhờ Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức đấu giá giúp để lấy tiền tặng đồng bào lũ lụt miền Trung hoặc gây quỹ học sinh nghèo vượt khó, cốt sao tạo được tiếng vang để giữ lấy cánh rừng già Mường Giàng...