Dân Việt

Tết ấm nhờ tranh dân gian

08/02/2011 14:03 GMT+7
(Dân Việt) - Năm nay, người dân làng Sình, xã Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đón một cái Tết ấm áp nhờ sản phẩm tranh dân gian của làng bán chạy như tôm tươi.

Cung không đủ cầu

Bước vào tháng 12 âm lịch, cả làng Sình hối hả với việc làm tranh và bán tranh. Tranh được người dân phơi từ trong nhà đến ngoài ngõ cho kịp khô để khách đến lấy khiến không gian của làng ngập trong màu tranh.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, truyền nhân đời thứ 9 của ông tổ làng tranh cho biết, tháng Chạp là thời gian cao điểm làm tranh của người làng Sình. “Từ đầu tháng đến chừ nhà tui đã làm hơn 100.000 bức tranh. Tranh gần Tết bán chạy như tôm tươi, cung không đủ cầu”- nghệ nhân Phước kể.

 img
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước tất bật với việc làm tranh dịp Tết.

Gia đình ông Phước đã huy động tất cả nhân lực trong nhà gồm 5 người, đồng thời thuê thêm 10 lao động khác ngày đêm làm tranh nhưng vẫn không đủ cung cấp cho khách. “Vừa có mấy chục xe tải trong và ngoài tỉnh về tận nơi mua hàng, nhiều người về sau hết hàng nên… ngồi khóc”- bà Trần Thị Gái, vợ ông Phước kể thêm.

Theo vợ chồng ông Phước, sở dĩ năm nay tranh làng Sình bán chạy gấp nhiều lần những năm trước là do thị trường được mở rộng từ Quảng Bình đến các tỉnh Nam miền Trung.

Ngôi nhà của gia đình bà Phan Thị Ký nằm khuất sau mấy cây cổ thụ cạnh đó tranh ngập từ nhà ra sân. Đã 80 tuổi nhưng mỗi ngày cụ Ký vẫn làm ra hàng nghìn bức tranh. “Những năm trước làm ăn không ra chi, nhưng năm ni tranh bán quá chạy nên phải tranh thủ làm càng nhiều càng tốt. Cả năm được mùa Tết ni chứ mấy”- cụ Ký vừa tỉ mẩn dùng màu vẽ tranh vừa phấn khởi kể.

Hiện làng Sình có hơn 40 hộ dân chuyên sống bằng nghề làm tranh dân gian phục vụ cho việc thờ cúng và làm tranh du lịch. Đây cũng là thời điểm khách du lịch, đặc biệt là khách ngoại quốc nườm nượp về làng tham quan, mua tranh và học cách làm tranh từ các nghệ nhân khiến không khí trong làng vui như hội.

Tết ấm nhờ tranh dân gian

Tết năm nay rất vui vì kinh tế các gia đình phất lên nhờ tranh. Gia đình nào cũng ăn Tết to vì tranh bán chạy, nhất là vì nghề truyền thống của cha ông đã được chấn hưng và ngày càng thịnh vượng-bà Trần Thị Sen chia sẻ

Tranh làng Sình có cách đây hơn 300 năm và từng đứng ngang hàng với các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng ở miền Bắc. Sau một thời gian dài có nguy cơ thất truyền, từ năm 1996 đến nay dòng tranh dân gian này được chấn hưng.

Theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, những năm trước thị trường của tranh làng Sình chỉ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi nhưng từ Tết Tân Mão này, thị trường đã mở rộng thêm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Các nghệ nhân tranh làng Sình cho biết, sở dĩ tranh dân gian của làng có thể “làm mưa làm gió” ở thị trường miền Trung là do hình thức phong phú, tranh được in trên loại giấy tốt, mẫu mã rất đa dạng.

“Không chỉ luôn luôn sáng tạo để phát triển, chúng tôi thường xuyên sưu tầm thêm những mẫu tranh của ông cha, đưa tổng số mẫu của tranh làng Sình lên 42 mẫu. Nhờ rứa mà năm ni số lượng tranh được tiêu thụ các nơi lên đến con số hàng triệu bức”- bà Trần Thị Sen, người có thâm niên làm tranh ở đây cho biết.

Tranh bán chạy cũng đồng nghĩa với việc người dân làng Sình có một cái Tết no ấm. Người dân làng tranh cho biết, bình quân mỗi tháng trước và sau Tết mỗi người làm tranh có thu nhập từ 2-3 triệu đồng, những gia đình có nhiều người làm có thu nhập hàng chục triệu đồng/ tháng.