Dân Việt

Muôn màu lễ hội đầu xuân

08/02/2011 06:30 GMT+7
(Dân Việt) - Với gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó những hơn 7.000 là lễ hội dân gian, VN thực sự là đất nước của lễ hội. Đầu xuân, Dân Việt mời bạn đọc cùng du ngoạn...
img
Lễ hội Xòe chá của người Thái trắng ở Mộc Châu, Sơn La.Ảnh Kiều Thiện

Lễ hội Ksai sa típ Tây Bắc

Lễ hội Ksai sa típ có nghĩa là lễ hội Lộc hoa của dân tộc Sinh Mun Tây Bắc. Lễ hội được tổ chức vào sau dịp Tết Nguyên đán hàng năm để cầu lộc, cầu mùa, cầu phúc cho con người mạnh khoẻ, mùa màng tốt tươi. Đây là loại hình lễ hội có thời gian dài nhất (tuỳ theo số nhà của mỗi bản) nhưng cũng giản đơn, không ăn uống linh đình, chủ yếu là vui văn nghệ và không bao giờ diễn ra khi hoa ban đã tàn, măng đắng đã mọc cao, vì khi ấy mùa làm nương đã bắt đầu.

Lễ hội Xoè chá

Lễ hội xòe chá của người Thái Tây Bắc thường được tổ chức vào mùa xuân, khi những cánh hoa ban nở trắng rừng. Phần lễ (hết chá) do các cá nhân, hộ gia đình có điều kiện luân phiên đứng ra tổ chức với sự tham gia của cộng đồng làng bản, cầu mong cho sự bình an của cộng đồng làng bản trước một năm mới, mong mưa thuận, gió hoà...

Sau phần lễ là phần hội xoè với sự tham gia của rất nhiều người, kể cả khác xã, bản. Xoè chá là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, gắn kết bà con trong cộng đồng cùng bước vào mùa vụ mới.

img
 

Lễ hội Minh thề làng Hòa Liễu

Người dân Hòa Liễu xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng có một tập tục rất hay là Lễ “Minh thề”, tổ chức vào ngày 14 tháng Chạp. Nghi lễ gồm chủ lễ, các vị bồi lễ đọc chúc văn. Sau khi tế thần xong, mọi người cùng hô vang: “Y như lời thề”, rồi vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn “Đài thề” để biểu thị sự quyết tâm. Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà trống, uống máu ăn thề. Mỗi người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề.

Về nguồn với“Ning nơng”

Hàng năm sau Tết Nguyên đán khi lúa đã suốt xong cất vào kho, người Tây Nguyên sẽ bước vào tháng Ning nơng. Cả làng không cứ ai, hễ còn sức leo núi là đi. Họ chia thành từng tốp vào rừng hái trái cây dại, săn bắt những con thú nhỏ. Cũng có khi họ tổ chức những cuộc săn bắn tập thể, dùng cành cây dồn đuổi thú náo động cả núi rừng…

Khi bóng chiều tà gác núi, những tiếng hú vọng lên thăm thẳm giữa núi rừng, mọi người trở về nhà rông chia nhau thành quả một ngày kiếm được, vui vẻ như vừa thu được những vật gì quý giá lớn lao.

img
 

Núi Sam khai hội

Vào đầu năm , người dân hành hương về Miếu Bà Chúa sứ Núi Sam ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, bắt đầu từ Giao thừa và kéo dài suốt mấy tháng… Vào những ngày cao điểm suốt cả tháng Giêng, mỗi ngày có đến vài chục ngàn người đi cầu lộc…

Quanh khu vực lễ hội còn có quần thể di tích lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang, phong cảnh Núi Sam… để du khách có thể chiêm ngưỡng trong dịp năm mới. Những năm gần đây, địa phương thường khai hội vào ngày rằm tháng Giêng.

Lễ hội của trẻ chăn trâu

Lễ hội diễn ra vào ngày 11-12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh (Duy Xuyên, Quảng Nam). Ngày xưa người dân Chiêm Sơn khi đi mua bán với các vùng lân cận có bắt gặp một tượng đá mang gương mặt một người đàn bà người Chămpa nằm lăn lóc bên đường. Họ định mang về thờ cúng nhưng bao nhiêu trai tráng cũng không thể nhấc nổi pho tượng. Lúc đó, những đứa trẻ chăn trâu của làng đến khiêng thì lạ thay pho tượng trở nên nhẹ tênh.

Từ đó, hàng năm dân làng tổ chức lễ hội Bà Chiêm Sơn, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tham gia chủ yếu vào lễ hội là trẻ chăn trâu.