Theo đà này, dự báo, những tháng đầu năm 2011, các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL vẫn gặp nhiều thuận lợi...
Thủy sản chiếm ưu thế
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng Tháp. |
Gặp gỡ đầu năm mới, ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, điều khiến ông hân hoan nhất là xuất khẩu được 23.500 tấn tôm, kim ngạch đạt 257 triệu USD- vượt 60% kế hoạch.
Kết quả này càng có ý nghĩa trong tình trạng thiếu tôm nguyên liệu làm đau đầu không ít lãnh đạo các doanh nghiệp chế biến thủy sản khác ở ĐBSCL... Ngày 26 tháng Chạp vừa qua, ông Quang đã cho công nhân nghỉ sớm, về nhà ăn Tết. “Cho công nhân nghỉ xả hơi, sẵn dịp sửa sang lại phân xưởng mà cả năm rồi bị tận dụng làm miết” - ông nói.
Và ngay mùng 6 Tết, hàng ngàn công nhân sẽ trở lại nhà máy, tiếp tục cho những đơn hàng mới. Ông Quang cho hay, ngay trong tháng 1- 2011, Minh Phú đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 2.000 tấn tôm các loại.
Ông Quang dự báo, dù thị trường tiêu thụ của con tôm vẫn chưa nhiều hứa hẹn, nhưng giá xuất khẩu có thể sẽ khả quan trong những tháng đầu năm nay. Hiện tại, giá tôm size 16 - 20 khoảng 15,5 USD/kg, khá hấp dẫn.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2010, giá tôm nguyên liệu cao ngất ngưởng nên trong năm 2011 này sẽ kích thích người nuôi Việt Nam và cả các nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… tăng mức đầu tư.
Còn với con cá tra, vừa qua tại thị trường EU, nhu cầu đã lớn hơn nhiều so với nguồn cung trên thị trường. Theo VASEP, người đại diện mua hàng cho Tập đoàn Globus - nhà bán lẻ lớn ở Đức, đã công khai tuyên bố rằng, nếu có đủ hàng, Globus có thể bán gấp đôi lượng cá tra hiện có.
Sự thiếu hụt này ở EU có thể kéo dài đến tận tháng 5- 2011, nhờ đó, cá tra Việt Nam có thể nâng giá lên hơn 3 USD/kg. Các nhà kinh tế ước tính, Việt Nam có thể dễ dàng xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn cá tra trong năm nay, gấp đôi sản lượng mà người nuôi cá đang cung ứng.
Gạo cũng thừa cơ hội
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dự báo lượng gạo mua bán toàn cầu trong năm 2011 vẫn ở mức 30,3 triệu tấn, tăng 1% so năm 2010. Nguồn cung có thể tăng nhờ một số nước như Trung Quốc, Thái Lan… nhưng dự báo sẽ giảm tại các nước như Ấn Độ, Pakistan… Mặt khác, như năm 2010 vừa qua, tỉ trọng gạo xuất khẩu so với tổng sản lượng gạo của thế giới chỉ là 6,7%, nên nguồn cung trong năm 2011 vẫn sẽ khá căng thẳng.
Năm nay, xu hướng mà các nước sản xuất gạo áp dụng vẫn là “cắn răng buộc bụng”, chỉ xuất khẩu khi thừa nhiều. Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất trên thế giới, dự báo chỉ tăng lượng xuất khẩu thêm 0,5 triệu tấn hoặc có thể lại giữ mức tương đương như năm 2010 là 8,5 triệu tấn. Trong khi đó, danh sách các nước có nhu cầu nhập khẩu gạo dao động ở con số 200. Và đó là cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.
Theo dự báo của Bộ NN & PTNT, năm 2011, Việt Nam có khả năng đạt sản lượng gần 40 triệu tấn lúa, tương đương năm 2010, tức có thể dôi ra để xuất khẩu 5,5- 6,1 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, hạn hán trong những tháng tới chắc chắn xảy ra, và để không xảy ra mất mùa, tụt giảm sản lượng, các cơ quan chức năng và nông dân phải làm tốt việc chuẩn bị các biện pháp phòng chống, giữ nước… Một khi các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam nhạy bén khai thác tốt cơ hội thì giá gạo Việt Nam chắc chắn sẽ khả quan.
Hồ Hùng