Cứ theo tuyên bố và cách ứng xử ở cả hai phía từ trước tới nay cũng như vừa qua liên quan đến chuyện này thì khả năng đạt được giải pháp lâu bền rất xa vời, có chăng thì cũng chỉ là không còn giao tranh và nguyên trạng pháp lý.
Cả Campuchia và Thái Lan lẫn các đối tác bên ngoài đều trong tình thế khó xử. Theo Hiệp ước phân định biên giới giữa Pháp và Thái Lan năm 1904 và 1907 cũng như theo phán quyết của Toà án Quốc tế của LHQ năm 1962 thì ngôi đền thuộc Campuchia, nhưng phân chia khu vực xung quanh rộng gần 5 km2 thì lại chưa rõ ràng. Lối chính vào ngôi đền lại ở phía Thái Lan trong khi Thái Lan đâu có hài lòng gì với tất cả những hiệp ước và phán quyết pháp lý nói trên. Chủ quyền lãnh thổ lại luôn là vấn đề chính trị nội bộ rất nhạy cảm ở cả hai phía. Quan hệ giữa Campuchia và Thái Lan trong thời gian gần đây đã nảy sinh thêm một số trắc trở mới. Cái khó đối với cả hai bên là chỉ có thể tiến chứ không dám lùi trong chuyện này mặc dù biết rằng có làm găng mãi với nhau, thậm chí đánh nhau to như mới rồi, cũng không thể giải quyết được vấn đề. Cả hai kêu gọi LHQ can thiệp chẳng qua chủ yếu để tranh thủ dư luận.
ASEAN, LHQ và các đối tác bên ngoài khác cũng rất khó xử, không thể ủng hộ bên này và phản đối bên kia cũng vì sự liên quan lẫn nhau của các nguyên nhân nói trên. Cho nên khuôn mẫu chung thể hiện thái độ vẫn chỉ là kêu gọi hai bên kiềm chế và đàm phán hoà bình. Cuối cùng, hậu quả là tranh chấp vẫn tiếp diễn, người dân ở khu vực bị ảnh hưởng và sự toàn vẹn của di sản văn hoá thế giới này vẫn không được đảm bảo.
Huệ Như