Sáng nay 21.10, tuyến đường trên cao vành đai 3 (từ Hồ Linh Đàm - cầu vượt Mai Dịch, Hà Nội) dài gần 9 km được thông xe. Đây là tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên của nước ta và cũng là dự án trọng điểm về đích sớm hơn so với thời gian quy định.
Ảnh Đàm Duy |
Đường cao tốc đô thị hoành tráng
Nói về tiến độ thực hiện dự án, ông Vũ Xuân Hòa - Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long, đại diện chủ đầu tư cho biết: “Dự án gồm 3 gói thầu xây lắp chính. Gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch - Trung Hoà dài 3.575m đã hoàn thành trước 9 tháng; gói thầu số 2 đoạn Trung Hoà- Thanh Xuân dài 2.070 m cán đích trước 15 tháng; gói thầu số 3 đoạn Thanh Xuân- Bắc Hồ Linh Đàm có dài 3.267m hoàn thành trước 5 tháng.
Khi hoàn thành, con đường này kết nối được nhiều trục đường và mạng lưới giao thông xung quanh như quốc lộ 32, đại lộ Thăng Long, toàn bộ tuyến Dự án cầu Thanh Trì nối sang quốc lộ 5, quốc lộ 1, tuyến Hà Nội – Cầu Giẽ. Thông qua dự án này có thể nâng cao hiệu quả của các dự án kết nối với đường vành đai 3 như tôi đã kể trên”.
Lý giải những nguyên nhân nào để đưa dự án đạt về đích sớm hơn nhiều so với kế hoạch, ông Đỗ Quang Minh - Giám đốc Dự án đường vành đai 3 trên cao chia sẻ: “Có 3 nguyên nhân chính, thứ nhất phải có nguồn kinh phí đầy đủ kịp thời, thứ 2 công tác giải phóng mặt bằng, thứ 3 tổ chức thực hiện. Về giải phóng mặt bằng đã đi trước một bước trước khi khởi công công trình, từ năm 2001 Thủ tướng đã ra quyết định đầu tư vành đai 3 giai đoạn một để thực hiện giải phóng mặt bằng. Về tổ chức thực hiện nhà đầu tư phải lựa chọn được các nhà thầu, nhà tư vấn có đủ điều kiện về tài chính cũng như về năng lực kỹ thuật, từ đó làm tốt đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình”.
Ông Đỗ Quang Minh cho biết thêm: “Tài chính là điều quan trọng đầu tiên, trong dự án này cơ chế quản lý vốn và ứng vốn linh hoạt, cho phép ứng tới 40% vốn là yếu tố giúp rút ngắn tiến độ. Bên cạnh đó năng lực và kinh nghiệm tổ chức thi công của các nhà thầu rất bài bản và khoa học, làm chủ các công nghệ, tiến bộ mới trong xây dựng cầu đường”.
Kỳ tích của ngành giao thông
Tuy tiến độ Dự án hoàn thành trước thời hạn từ 5 đến 15 tháng nhưng chất lượng công trình được đánh giá rất cao. Ông Hiroaki Mucaichi – Giám đốc dự án của tư vấn thuộc công ty OC (Nhật Bản) cho rằng: “Về chất lượng công trình, chúng tôi cùng chủ đầu tư thống nhất rằng nguyên tắc khi nhà thầu lập tiến độ rút ngắn thời gian thực hiện thì đồng thời cũng phải lập kế hoạch đảm bảo chất lượng kèm theo, không cho phép điều chỉnh chất lương. Bất kỳ gói thầu nào cũng phải đảm bảo đúng về chất lượng cũng như giữ nguyên thiết kế ban đầu. Dù tiến độ về đích trước thời hạn nhưng quản lý chất lượng cũng như đảm bảo an toàn lao động của dự án vẫn luôn được coi trọng và được kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt”.
Ảnh Đàm Duy |
Tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên của nước ta giữa lòng Thủ đô được nhiều chuyên gia đánh giá là kỳ tích trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản ngành giao thông, bởi đây là một trong những công trình hiếm hoi trong nhóm các công trình trọng điểm vượt tiến độ với khoảng thời gian dài.
Ông Nguyễn Văn Lưu – Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng: “Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ GTVT tập trung chỉ đạo rất quyết liệt các Ban quản lý dự án, các nhà thầu để chấn chỉnh lại toàn bộ quy trình, các khâu thực hiện dự án, kiểm tra dự án để phát hiện những bất hợp lý để điều chỉnh. Các cơ quan của bộ cũng đã xử lý tốt các vướng măc về vốn từ tạm ứng đến thanh quyết toán, phải giảm bớt các thủ tục hành chính để quyết toán nhanh”.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Lưu – Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT): “xưa nay các công trình giao thông hay có tai tiếng là thực hiện tiến độ chậm, chất lượng chưa tốt. Chúng tôi nhận thấy tình trạng chậm tiến độ của các công trình giao thông một phần do công tác giải phóng mặt bằng quá khó khăn, phức tạp, tốn nhiều tiền bạc, công sức và thời gian. Thứ 2 là nguồn vốn, các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thường là khó khăn hơn nên các dự án chậm tiến độ.
Đình Thắng