Tại Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quảng Tín, theo thống kê hiện có 100 hộ ở các xã Đăk Nhau, Thống Nhất, Bom Bo (huyện Bù Đăng) tràn vào các tiểu khu 1524, 1525, 1537, 1541 thuộc địa giới hành chính xã Đăk Ngo (Tuy Đức).
Rừng Tuy Đức bị tàn phá để lấy đất canh tác. |
Tại xã Quảng Trực, DNTN Phạm Quốc được UBND tỉnh Đăk Nông cho thuê 318,7ha rừng để thực hiện dự án đầu tư nông - lâm nghiệp nhưng đang bị 73 hộ dân ở huyện Bù Đăng chiếm giữ. Hàng trăm hộ khác đến từ các huyện Đồng Phú, Bù Đốp, thị xã Đồng Xoài cũng đang bao chiếm đất rừng của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, Công ty CP 59, Công ty Long Sơn...
Làm việc với chúng tôi, ông Y Yang - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nhau cho biết: “Cả xã có 250 hộ đi phá rừng ở Đăk Nông, trong đó chỉ một số ít hộ thiếu đất sản xuất, còn lại là đi theo phong trào. Có hộ đi về trong ngày, có hộ ở luôn trong rừng, xã không thể quản lý được việc tạm vắng của họ”.
Còn lãnh đạo UBND huyện Bù Đăng, trong buổi làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước mới đây cũng thẳng thắn thừa nhận: “Tình trạng dân đi xâm canh, phá rừng ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông đang diễn biến rất phức tạp, qua điều tra phát hiện những hộ đã có 5ha đất nhưng vẫn cứ đi xâm canh. UBND huyện chưa có giải pháp để giải quyết dứt điểm tình hình”.
Ở huyện Tuy Đức, chủ rừng và cơ quan chức năng xem việc quản lý nhân khẩu tạm trú lỏng lẻo của chính quyền các xã là một nguyên nhân mất rừng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Đăk Ngo - lắc đầu: “Xã tôi có đến vài chục nghìn hécta rừng, lực lượng của xã không thể lội hết rừng để kiểm tra hộ khẩu được, lại còn bị chống đối”.
Theo ông Đỗ Ngọc Duyên - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đăk Nông, đoàn liên ngành tỉnh Đăk Nông đã thực hiện xong việc lập biên bản các trường hợp xâm canh, giao cho UBND huyện Tuy Đức xử lý hành chính theo quy định.
Bước tiếp theo sẽ tổ chức cưỡng chế, chặt bỏ 111,2ha cao su, 154,2ha điều, 163,7ha sắn, thu hồi diện tích đất trống, phá bỏ toàn bộ nhà cửa, lán trại và trục xuất dân Bình Phước ra khỏi rừng Đăk Nông.
Đồng Nguyên