Dân Việt

Ngành tôm dần hồi phục

25/05/2013 07:23 GMT+7
(Dân Việt) - Cùng với hoạt động thả nuôi tôm vụ thuận tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra khá suôn sẻ thời gian gần đây,?trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này cũng có dấu hiệu phục hồi...

Thông tin các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân gây ra dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) cũng khiến nông dân nuôi tôm phấn khởi, nhiều tỉnh ĐBSCL đã tăng diện tích thả nuôi trong vụ mới.

img
Anh Lưu Thanh Nghĩa kiểm tra ao và tôm nuôi.

Xuất khẩu khởi sắc

Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm trong tháng 4.2013 đã tăng 9% so với tháng trước, đạt kim ngạch 194 triệu USD. Trong đó, hai thị trường chủ lực của tôm là Nhật Bản và Mỹ đã có bước phục hồi mạnh mẽ, tăng lần lượt 20% và 27%. Xuất khẩu tôm sang Canada tăng mạnh nhất, tới 129% so với tháng 3.2013.

Ông Trần Văn Phẩm - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) cho biết, trong quý I/2013, giá xuất khẩu sản phẩm tôm sú loại 30 con/kg ở mức 14 – 15 USD/kg. Bước sang đầu tháng 4, nhiều doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu với giá cao hơn từ 1 – 1,5USD/kg. Sản phẩm tôm thẻ cỡ lớn, từ 60 – 70 con/kg cũng có giá xuất khẩu tăng thêm ít nhất 50 cent/kg. “Sản lượng tôm thương phẩm từ các vùng nuôi cũng có dấu hiệu tăng nhẹ giúp doanh nghiệp đỡ gánh nặng thiếu nguyên liệu cho chế biến” - ông Phẩm cho biết thêm.

img Hiện tại, Nhật Bản là thị trường lớn của tôm Việt Nam. Việc một rào cản được dỡ bỏ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí kiểm dịch, thêm cơ hội tăng trưởng cho tôm tại thị trường Nhật. img

Ông Trương Đình Hòe

Lãnh đạo một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tại khu vực ĐBSCL cũng cho biết, dù chưa vào mùa tiêu thụ chính các sản phẩm thủy sản, tuy nhiên, do lượng hàng tồn kho trên thế giới đã giảm, nguồn cung từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc… cũng hạn chế do thiếu tôm nguyên liệu nên các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội ký thêm được nhiều hợp đồng mới.

Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP cũng cho biết thêm, việc Nhật Bản vừa dỡ bỏ quy định kiểm tra dư lượng Trifluralin đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này cũng khiến nhiều doanh nghiệp phấn khởi. Như vậy, sau gần 3 năm nỗ lực loại bỏ Trifluralin - một hoạt chất diệt cỏ sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi thủy sản, phía Nhật Bản đã nới rộng điều kiện cho tôm Việt Nam vào thị trường này.

Người nuôi tôm hào hứng

Cùng với những dấu hiệu khởi sắc của xuất khẩu, hoạt động nuôi tôm trong nước cũng đang dần hồi phục, giá thu mua tôm nguyên liệu vẫn ở mức cao trong khi sản lượng tôm thương phẩm đã tăng nhẹ.

Ngày 23.5, anh Lưu Thanh Nghĩa – một người chuyên nhận nuôi tôm cho các chủ ao khu vực ĐBSCL cho biết, anh vừa thu hoạch xong ao tôm rộng gần 2.500m2 tại xã Phú Long, huyện Bình Đại, Bến Tre, sản lượng đạt hơn 4,3 tấn, vượt gần 0,5 tấn so với dự tính.

Với giá bán 136.000 đồng/kg, chủ ao thu lãi hơn 320 triệu đồng. Hiện tại, anh cùng một số “thợ” nuôi tôm khác chuyển sang nhận nuôi 7 ao tôm cho một chủ ao tại xã Bình Thới, mỗi ao rộng từ 2.000 – 2.500 m2. “Hồi năm trước tôm nuôi gặp dịch liên miên, nhiều ao bỏ trống, trong khi năm nay vừa thu hoạch xong đã có rất nhiều chủ ao mới đến mướn mình trông coi, chăm sóc tôm vụ mới” - anh Nghĩa hào hứng.

Anh Lữ Hoàng Diệu (ngụ TP. Cà Mau, Cà Mau) cũng cho biết, cùng với bà con trong vùng, anh vừa mới thả nuôi tôm vụ mới trên diện tích hơn 7.000m2, hiện tôm phát triển rất tốt so với những vụ trước. Theo anh Diệu, nhiều hộ nuôi khu vực này những vụ trước do thiếu vốn cùng với tâm lý e ngại dịch bệnh trên tôm nên treo ao hiện đã tái đầu tư thả giống mới.

Thống kê của ngành nông nghiệp một số tỉnh ĐBSCL cũng cho thấy, diện tích thả nuôi tôm mới trong tháng 4, nửa đầu tháng 5 đã tăng nhẹ, sản lượng tôm thương phẩm cũng tăng. Cụ thể, sản lượng tôm sú thu hoạch tại Cà Mau trong tháng 4 ước đạt 30.700 tấn, tăng hơn 13% so với tháng trước. Lượng tôm thẻ chân trắng nuôi ở Kiên Giang cũng tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt sản lượng 2.706 tấn.