Rau đắng làm mát gan do kích thích tiết mật, thông tiểu, nhuận tràng; dùng trong trường hợp nóng nảy trong người làm lở miệng, viêm nha chu, chảy máu răng; dùng lá rau đắng xông hơi trị ho cảm và viêm phổi; nước rau đắng uống nhiều lần trong ngày trị ngừa sạn thận và sỏi mật...
Trong họ rau đắng, ăn ngon nhất là rau đắng đất. Rau đắng đất là loại cây thân thảo, nhỏ bằng que tăm, mọc bò dưới đất trong vườn nhà hay bờ ruộng. Lá rau đắng đất giống những chiếc lông chim màu xanh lục, bé bằng móng tay út, mọc từng đôi quanh thân cây.
Rau đắng đất dùng để nấu canh hoặc ăn sống. Rau đắng đất mới ăn thì đắng, ăn quen sẽ thấy ngon ngọt không thể nào quên. Rau đem về nhặt lấy phần ngọn non mướt, rửa sạch để vào rổ cho ráo nước. Thịt heo nạc băm nhuyễn, tỏi băm nhỏ, hành lá cắt nhỏ. Bắc nồi lên phi mỡ tỏi, hành thơm phức, bỏ thịt băm vô nồi xào sơ cho săn, đổ nước vào nồi, nêm muối, bột ngọt cho vừa miệng.
Đậy nắp lại cho nước sôi lên, hớt bọt. Rau đắng đã rửa sạch để vô tô lớn, đổ nước súp mới nấu rưới lên tô rau cho đều, chỗ nào rau còn lồi lên lấy đũa nhận nhẹ xuống, rắc một chút hạt tiêu xay lên mặt rồi bưng ra ăn nóng. Người kiêng thịt có thể nấu canh rau đắng đất bằng tép lột bỏ vỏ hay cá lóc: tép để nguyên con, cá thì khứa thành từng khứa chớ không bằm nhuyễn và không xào mỡ tỏi trước. Rau đắng đất còn dùng để ăn sống với mắm kho hoặc cháo cá rất ngon.
Người ly hương ai cũng thấm thía câu hát:
“Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh” của nhạc sĩ Bắc Sơn.