Cuộc đàm phán quân sự cấp tá trong hai ngày qua (8 và 9-2) là cuộc gặp liên Triều đầu tiên kể từ sau vụ đấu pháo trên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hôm 23-11-2010.
Cuộc gặp cấp tá giữa 2 miền Triều Tiên hôm 8-2. |
Ngày 10-2, Triều Tiên nói rằng Hàn Quốc đã làm đổ vỡ cuộc đàm phán này và thiếu tinh thần nghiêm túc, đồng thời cho biết Bình Nhưỡng thấy không cần thiết phải tiếp tục đàm phán chừng nào Seoul vẫn tỏ thái độ không sẵn sàng cải thiện quan hệ.
Trong khi đó, Hàn Quốc lại cáo buộc chính Bình Nhưỡng làm đổ vỡ tiến trình đàm phán, nói rằng các đại diện miền Bắc đã đơn phương rời bàn họp chỉ ít lâu sau khi phiên họp bắt đầu.
Trong phản ứng của mình, Mỹ cho rằng Triều Tiên đang "bỏ lỡ cơ hội để chứng tỏ sự chân thành" trong việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc khi quyết định ngừng đàm phán.
Lầu Năm Góc cũng kêu gọi Bình Nhưỡng nối lại đối thoại với Seoul. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại các cuộc thương lượng nhằm giải quyết bất đồng thông qua đối thoại.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký, ông Martin Nesirky cho biết, là một cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc từng tham gia nhiều cuộc đàm phán với phía Triều Tiên, Tổng Thư ký Ban Ki-moon theo dõi sát các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên và sẵn sàng đến thăm Bình Nhưỡng nếu chuyến thăm đó giúp giảm căng thẳng trên bán đảo này.
Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, đặc phái viên về hạt nhân của Hàn Quốc, ông Wi Sung-lac ngày 10-2 đã tới Bắc Kinh (Trung Quốc) để thảo luận về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Dự kiến, ông Wi Sung-lac sẽ có cuộc gặp với Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ. Hai bên sẽ trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề, trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Gia Khánh