Dân Việt

Đà Nẵng: Doanh nghiệp dài cổ chờ lao động

12/02/2011 13:40 GMT+7
(Dân Việt) - Những ngày sau Tết, tại hầu hết các khu công nghiệp ở Đà Nẵng, như khu công nghiệp Hoà Khánh, khu công nghiệp Liên Chiểu, khu công nghiệp An Đồn (Đà Nẵng), đều thấy dán thông báo tuyển công nhân.

Thông báo nào cũng hấp dẫn, như “hỗ trợ tiền nhà, đi lại”, “thưởng chuyên cần”, “lương cao”…, nhưng rất lạ là vẫn lèo tèo công nhân đến nộp đơn. Công ty TNHH May mặc Ba Sao (khu công nghiệp Hòa Khánh) thông báo tuyển gấp 500 công nhân từ trước Tết, nhưng đến mùng 7 Tết (9-2) chỉ nhận được 50 hồ sơ xin việc.

Theo lãnh đạo công ty, cứ mỗi dịp đầu năm, số công nhân trở lại làm việc bị giảm đi đáng kể. “Chúng tôi “mở cửa” làm việc từ mùng 5 Tết nhưng nhiều dây chuyền phải đình trệ vì không đủ công nhân”-một lãnh đạo công ty cho biết.

img
Người lao động làm hồ sơ xin việc tại Đà Nẵng.

Ngày 9-2, ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, đang có một loạt doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất hàng may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử…) phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động do thiếu lao động.

Tình trạng công nhân “nhảy” việc đầu năm, theo một cán bộ ở Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, là do doanh nghiệp đã không đối xử tốt với lao động. Một số doanh nghiệp dịp cuối năm chèn ép người lao động, như hạ lương, tăng giờ, tăng ca, cắt giảm chế độ tiền thưởng… nên công nhân ngán, chờ lãnh ít tiền thưởng cuối năm rồi “chuồn” luôn.

Ông Nguyễn Minh Liêu - Trưởng phòng Tư vấn quan hệ lao động và giới thiệu việc làm Đà Nẵng, để tránh tình trạng công nhân “bỏ” mình, doanh nghiệp phải đối xử tốt với họ, biết chia sẻ quyền lợi với họ. Ngoài ra với những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất, cần thêm lao động vào đầu năm thì trước Tết nên tổ chức tuyển dụng lao động.

Đã có 48 doanh nghiệp lo sợ công nhân bỏ việc đầu năm đã “ra tay” trước, tổ chức tuyển dụng công nhân từ trước Tết tại các phiên chợ việc làm. Kết quả nhiều doanh nghiệp đã tuyển được số lao động ưng ý, ngay đầu năm đã bắt tay vào sản xuất mà không sợ thiếu hụt nguồn lao động.