Dân Việt

Xây nhà máy đường tại Cao Bằng: Vì sao Bộ NNPTNT không đồng ý?

17/08/2012 06:42 GMT+7
(Dân Việt) - Sau khi Bộ NNPTNT có văn bản không đồng ý về mặt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy đường mới tại tỉnh Cao Bằng, chính quyền tỉnh này cho biết, sẽ họp và đưa ra quan điểm.

Đã quá nhiều nhà máy đường

Như NTNN đã thông tin, Bộ NNPTNT đã có công văn không đồng ý dự án đầu tư xây dựng mới một nhà máy đường ở Cao Bằng theo đề xuất Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghiệp Đông Bắc. Công ty này đã có đề nghị đầu tư xây dựng nhà máy đường mới với dự kiến công suất 2.000 tấn mía/ngày.

img
Theo Bộ NNPTNT, hiện cả nước đã có 40 nhà máy đường và không cần đầu tư thêm nhà máy nào nữa.

Lý do Bộ NNPTNT bác đề nghị trên là do căn cứ vào điều kiện thực tế và quy định của Chính phủ; đây là nhà máy có quy mô nhỏ, khó áp dụng công nghệ hiện đại, suất đầu tư cao và hiệu quả thấp. Theo Bộ NNPTNT, đến nay cả nước đã có 40 nhà máy đường với công suất 139.000 tấn mía/ngày. Nếu đủ nguyên liệu có thể sản xuất được 2,7 triệu tấn đường mỗi năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ đạt 1,4 triệu tấn đường.

Không những thế, hàng năm nước ta còn phải cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu một lượng đường theo cam kết WTO (năm 2012 là 70.000 tấn). Thực tế, từ niên vụ 2011-2012, Việt Nam đã sản xuất đủ đường cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 200.000 tấn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu đường đang rất khó khăn và thường thua lỗ vì giá thành sản xuất đường của Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực và cách xa so với các nước xuất khẩu đường trên thế giới.

Mặt khác, cũng theo lý giải của Bộ NNPTNT tại Quyết định 124 ngày 2.2.2012, Chính đã phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nêu rõ: Không xây dựng thêm nhà máy đường mới. Về chế biến đường, từ nay đến năm 2020, nước ta chỉ tập trung mở rộng công suất các nhà máy hiện có, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao hiệu suất thu hồi và chất lượng sản phẩm.

Tỉnh sẽ có phản hồi

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Lương Xuân Mào – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng cho biết: “Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mía là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn so với rất nhiều cây trồng khác. Từ nhiều năm nay, người dân đã canh tác mía cho giá trị kinh tế cao ở 3 huyện là: Phục Hòa, Quảng Yên, Thạch An. Hiện Cao Bằng mới chỉ có Nhà máy Đường Quảng An với công suất 1.100 tấn mía/ngày và mới có dự án đầu tư mở rộng với công suất tăng lên 1.800 tấn mía/ngày cũng chưa đủ thu mua hết nguyên liệu mía cho nông dân, khiến người trồng mía phải bán sang Trung Quốc”. Mặt khác, theo ông Mào, chủ trương của tỉnh là tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía sang huyện Trùng Khánh và Hạ Lang để nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong khi đó, theo ông Ngôn Trung Tuyến – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Đông Bắc: Chúng tôi thấy đồng bào trồng mía phải mang bán cho Trung Quốc với giá rẻ nên muốn đầu tư xây dựng nhà máy giúp người dân khỏi bị ép giá. “Hiện chúng tôi đang vận hành Nhà máy Thủy điện Bản Rạ, nếu xây dựng nhà máy đường sẽ tận dụng nguồn điện của nhà máy thủy điện này, giảm được một khoản chi phí đầu vào” - ông Tuyến khẳng định. Ông Tuyến cũng cho biết thêm: “Dù là nhà máy nhỏ, nhưng nếu được phép xây dựng, chúng tôi sẽ đầu tư công nghệ hiện đại và tiến tới công ty sẽ đủ khả năng để đầu tư luôn nhà máy lớn với công suất 4.000 tấn mía/ngày trở lên”.

Trả lời NTNN, ông Thang Trọng Dũng – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Hiện UBND tỉnh Cao Bằng chưa nhận được công văn của Bộ NNPTNT, nhưng nếu Bộ không đồng ý cho đầu tư nhà máy đường thì thường trực UBND sẽ có hội ý trước khi đưa ra quan điểm”.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng Thang Trọng Dũng: Sẽ giúp đảm bảo an ninh, trật tự biên giới

Cao Bằng xác định 3 loại cây trồng chủ lực là lạc, thuốc lá và mía. Việc trồng mía không chỉ nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần đảm bảo an ninh, trật tự đường biên giới vì khu vực mở rộng diện tích trồng mía và dự kiến xây dựng nhà máy thuộc địa bàn 2 huyện biên giới.

Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT): Đừng chỉ thấy lợi trước mắt

Ở Cao Bằng, đã có một nhà máy đường là Quảng An, vì thế nếu xây dựng nhà máy chế biến mía đường với công suất 2.000 tấn mía/ngày, chỉ để xuất khẩu sang Trung Quốc, sẽ không hiệu quả. Bởi trong trường hợp, nếu không xuất được sang Trung Quốc, thì sẽ đẩy đường lại nội địa, khi ấy sẽ làm ảnh hưởng đến bài toán cung- cầu. Có thể bây giờ, tỉnh Cao Bằng mới nhìn gần, thấy xuất được mía sang Trung Quốc, thì xin đầu tư, nhưng xin nói đây là thị trường rất nhạy cảm, chúng ta không thể lường trước được những tình huống cụ thể, bởi chỉ cần đến một lúc nào đó, họ dừng nhập khẩu, thì nhà máy đường sẽ thua lỗ.