Dân Việt

Thiếu lao động sau Tết: Nghịch lý tiền lương

15/02/2011 17:04 GMT+7
(Dân Việt) - Do lương thấp, cộng với các chế độ bồi dưỡng không thoả đáng đã khiến tình trạng công nhân đình công hoặc kéo nhau bỏ việc gia tăng.

Lương tối thiểu mệt mỏi chạy theo trượt giá

img

Theo khảo sát, hơn 50% công nhân không hài lòng với mức lương hiện tại.

Theo mức lương hiện hành, lương tối thiểu của lao động (LĐ) trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện là 1,5 triệu đồng/tháng (vùng 1), LĐ trong doanh nghiệp nhà nước là 1,34 triệu đồng/tháng, LĐ khối hành chính sự nghiệp là 830.000 đồng/tháng.

Theo con số này thì LĐ trong khu vực FDI chẳng có lý do gì để kêu ca. Nhưng theo nghiên cứu mới nhất về "tiền lương tối thiểu và thu nhập của người LĐ trong các doanh nghiệp", nhóm nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động chỉ ra rằng, ngoài lương tối thiểu và một chút phụ cấp ít ỏi, LĐ khu vực FDI không còn gì để "bấu víu" ngoài việc tăng ca, bán sức lao động rẻ mạt.

Thực tế hiện nay, lương cho LĐ khối FDI đang lệ thuộc vào "tiền lương tối thiểu". Ví dụ nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương trả cho người LĐ chỉ bằng hoặc cao hơn rất ít so với mức tiền lương tối thiểu; nhiều chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội, phụ cấp, trợ cấp cũng đang dựa vào tiền lương tối thiểu…

Anh Nguyễn Đình H- cán bộ nhân sự của Công ty Nikko Việt Nam (Vĩnh Phúc) cho hay, dù là LĐ có tay nghề (được tuyển từ các trường nghề) nhưng công ty cũng chỉ trả lương tối thiểu theo quy định hiện hành, cộng với 7% phụ cấp tay nghề và một vài phụ cấp ít ỏi khác (độc hại, ăn ca).

Tổng thu nhập của LĐ công ty anh được tiếng là cao cũng chỉ dừng ở mức 2,4 - 2,5 triệu đồng. Theo đánh giá của anh: "Đây là mức lương không đủ nuôi sống 1 LĐ, chưa nói tới gia đình. Với mức lương này, tôi chỉ có thể tuyển được LĐ phổ thông ở các vùng núi chứ không thể tuyển được lao động có nghề".

Theo khảo sát của các chuyên gia viện này, hiện mức lương tối thiểu của các nước châu Âu cao hơn Việt Nam gần 20 lần (5,33USD/giờ) và các nước ASEAN (0,76USD/giờ) cũng gấp hơn 3 lần Việt Nam (0,2 đến 0,275 USD/giờ). Nếu so sánh lương tối thiểu với CPI, GDP, GDP/đầu người và mức sống của người dân thì mức tăng của lương tối thiểu là rất thấp, nhất là doanh nghiệp FDI không "theo kịp" sự tăng trưởng này.

80% đình công do lương thấp

Thực tế, việc các DN FDI báo lỗ đã xảy ra nhiều năm nay, trong khi quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp vẫn được mở rộng. Ngành thuế nghi ngờ họ cố tình thua lỗ ở Việt Nam để chuyển lãi về công ty mẹ, qua đó có thể trốn được thuế và không phải tăng lương, thưởng cho công nhân… Từ đó dẫn đến những cuộc đình công, dù là trái luật.

Theo TS Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn: "Việc trả lương thấp là nguyên nhân chính dẫn tới đình công của công nhân, khảo sát của chúng tôi cho thấy có 80% số cuộc đình công liên quan tới tiền lương".

Kết quả khảo sát năm 2010 với 2.100 công nhân của 38 doanh nghiệp (nhà nước - cổ phần hóa - ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Viện Công nhân và công đoàn cho thấy, bình quân tiền lương của người LĐ trong doanh nghiệp FDI là 1,82 triệu đồng/tháng (6.900 đồng/giờ), trong khi doanh nghiệp tư nhân là 1,98 triệu đồng/tháng (8.500 đồng/giờ) và doanh nghiệp nhà nước có mức lương cao nhất là 2,25 triệu đồng/tháng (9.600 đồng/giờ).

Trong số các doanh nghiệp được khảo sát, có 6,8% người LĐ hưởng mức lương dưới 1 triệu đồng và trên 5 triệu đồng chỉ có 0,1%. Hầu hết người LĐ nhận được mức lương dưới 2 triệu đồng (từ 1 - 1,5 triệu chiếm 40,4% và từ 1,5 - 2 triệu chiếm 27,8%).

Khảo sát cũng cho thấy, mức độ hài lòng của người LĐ về tiền lương hiện tại chỉ chiếm có 3,9%, trong khi mức không hài lòng chiếm tới 50,9%. Về thu nhập, mức độ hài lòng cũng chỉ chiếm 6,3% với việc làm hiện tại và có tới 30,9% người LĐ không hài lòng.

Cũng theo ông Điều: "Từ mức độ này có thế thấy nguy cơ đình công hoặc bỏ việc của công nhân là rất lớn. Điều đó lý giải vì sao doanh nghiệp thì thiếu LĐ, trong khi số lao động thất nghiệp ở VN lại rất lớn".

------------------

Còn tiếp