Dân Việt

Coi chừng lạm phát giá thực phẩm

16/02/2011 06:58 GMT+7
(Dân Việt) - Tỷ giá tăng sẽ tác động rất lớn tới các ngành, lĩnh vực,trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Trước mắt, sản xuất của người nông dân sẽ chịu ảnh hưởng khi giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và phân bón đều dự kiến tăng.

Thức ăn chăn nuôi tăng tới 4.000 đồng/kg

Giá nguyên liệu nhập khẩu tăng và ngay sau đó là việc tỷ giá leo thang đã đẩy giá TĂCN thành phẩm trong nước vào vòng xoáy tăng giá mới. Khảo sát của NTNN trên thị trường cho thấy, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 200-300 đồng/kg ngay sau khi có quyết định điều chỉnh tỷ giá.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng - thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Việt - Pháp (Proconco), chỉ cần tỷ giá biến động là TĂCN phải tăng tương ứng vì trên 70% nguyên liệu sử dụng sản xuất thức ăn đều nhập khẩu, thanh toán bằng USD.

 img
Bốc xếp phân bón nhập khẩu tại Cảng TP. Hồ Chí Minh.

Theo thống kê của Hiệp hội TĂCN, để sản xuất ra TĂCN thành phẩm, các doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu trên 80% nguyên liệu từ nước ngoài. Chẳng hạn sản lượng ngô - nguyên liệu chính của TĂCN, do trong nước sản xuất chỉ đáp ứng chưa được 50% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu.

Các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu, DN phải nhập 90-95%. Các chất khoáng, vitamin, tạo mùi, tỷ lệ nhập khẩu lên đến 100%... Cho nên tăng tỷ giá là “đánh thẳng” vào giá thành của TĂCN.

Theo thống kê, trong năm 2010 giá TĂCN tăng tổng cộng 15 lần, và trong hai tháng đầu năm 2011 tiếp tục tăng 4 lần. Sắp tới, theo dự báo, giá TĂCN sẽ tiếp tục tăng. Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho biết: Đợt tăng tỷ giá này đã tác động rất mạnh đến ngành sản xuất và kinh doanh TĂCN, chắc chắn sẽ gây ra phản ứng dây chuyền.

“Giá TĂCN đã tăng do nguyên liệu đầu vào tăng liên tục, nay lại thêm sức ép của tăng tỷ giá sẽ khó tránh khỏi “lạm phát giá thực phẩm” - ông Lịch than thở.

Theo số liệu, năm 2010, ngành TĂCN của VN nhập khẩu 2,7 tỷ USD nguyên liệu sản xuất (khoảng 12,4 triệu tấn). Nay tỷ giá tăng 9,3% sẽ làm tăng thêm chi phí đầu vào không thể dưới mức “hai con số”.

Làm tăng giá và giảm sản lượng phân bón

img Điều tôi lo lắng nhất là tác động của việc tăng giá sẽ chuyển hết cho người chăn nuôi. Những nông dân nuôi tôm và cá tra có thể treo ao do không chịu nổi chi phí sản xuất. img

Theo ghi nhận, giá của mặt hàng phân bón đã tăng đáng kể từ đầu năm đến nay. Giá phân urê tại TP.HCM tăng mạnh nhất, tăng 733 đồng/kg (tương đương tăng 8,36%) lên mức 9.500 đồng/kg. Tại thị trường Đà Nẵng và Cần Thơ, giá urê tuần này đều tăng trên 600 đồng/kg.

Thị trường Hà Nội, có mức tăng giá urê nhẹ nhất, chỉ tăng 200 đồng/kg (tương đương tăng 2,22%) đạt 9.200 đồng/kg. Theo thông báo của Công ty Đạm Phú Mỹ, giá sẽ được cập nhật lại sau ngày 15.2 và nhiều khả năng sẽ tăng do tỷ giá vừa được điều chỉnh.

Đại diện Tổng Công ty Phân bón Hóa chất Dầu khí cho biết: Việc thay đổi tỷ giá không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp về việc cân nhắc giá bán, mà cả về nguồn vốn USD và sản lượng phân bón nhập về. Hiện nay, sản xuất phân bón trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước, gần 60% còn lại buộc phải nhập khẩu. Nguồn cung giảm và giá đầu vào tăng đã dẫn đến giá bán cho nông dân tăng theo chóng mặt.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Huy Phiêu - nguyên Viện Phó Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định: Việc bình ổn giá phân bón là rất khó, bởi ngoài chuyện chúng ta lệ thuộc quá lớn vào nhập khẩu và sự biến động bên ngoài thì nay lại đối diện với vấn đề tỷ giá sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ khó tăng sản lượng.