Sáng 24.10, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại tổ xung quanh báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013.
Mở đầu cuộc thảo luận tại tổ TP.HCM, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự lo lắng: Tổng đầu tư xã hội năm 2012 chỉ đạt 30%, trong khi trước đây là 40%. Điều đó cho thấy niềm tin vào chính sách của các nhà đầu tư suy giảm.
Tuy nhiên, ĐB Ngân cũng lạc quan: Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,9% trong năm nay. Vì vậy, nếu khai thác tốt tiềm năng thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu. “Vậy đâu là điểm nghẽn? Ở đây, theo tôi chính là nợ xấu. Chính phủ cần tập trung và xem đây là vấn đề lớn cần giải quyết dứt điểm để cắt bỏ khối u này khỏi nền kinh tế” - ông Ngân gợi ý.
Các đại biểu thảo luận tại tổ sáng 24.10. |
Về 5 tiêu chí không hoàn thành mà báo cáo của Chính phủ có nêu, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói thẳng rằng, chỉ cần một chỉ tiêu thôi đã khiến đầu tư xã hội không đạt được. Và ông Nghĩa cũng đồng tình với ĐB Ngân khi khẳng định nợ xấu chính là trọng bệnh mà nền kinh tế nước nhà đang mắc phải. “Nhiều ngân hàng yếu kém làm cho nợ xấu trở nên đáng báo động. Bên cạnh đó, tồn kho cũng là căn bệnh trầm kha” - ông Nghĩa nhận định.
Chuyên gia kinh tế, ĐB Trần Du Lịch cho rằng đối với khó khăn tích tụ trong 5 năm qua, các chính sách đều tập trung xử lý vấn đề đặt ra nhưng chưa xử lý, giải quyết được căn cơ như nguồn gốc lạm phát, mất giá đồng tiền” - ông đề xuất giải pháp: “Năm 2013 phải đề ra cùng lúc các giải pháp trung, dài hạn và tình thế. Về giải quyết nợ xấu, các ngân hàng phải có trách nhiệm với xã hội, Ngân hàng Nhà nước phải công bố rõ nợ xấu là bao nhiêu. Khi đã rõ rồi thì các ngân hàng thương mại phải lập quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu. Có thể lấy nợ để nuôi nợ và trả nợ".
Cho rằng quá trình tái cơ cấu hiện nay rất chậm nên không thể giao cho từng bộ ngành làm như hiện nay. ĐB Du Lịch đề nghị, cần phải lập Ủy ban Quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế do Thủ tướng đứng đầu.
ĐB Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) nhận định, tình trạng của doanh nghiệp trầm trọng hơn so với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ. Để tháo gỡ, chúng ta phải nhìn thấy những điều chưa hợp lý trong quản lý điều hành, cần những cú hích để giải quyết được nợ xấu. ĐB Đinh La Thăng (Thanh Hóa) cho rằng: Giải pháp trong năm 2013 là phải điều chỉnh tăng trưởng: Trước chúng ta tăng trưởng theo chiều rộng, nay phải chấp nhận tăng trưởng theo chiều sâu. Có thể chậm lại nhưng chắc, tái cơ cấu kinh tế không được sốt ruột mà sử dụng kích cầu.
* Chiều 24.10, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia (DTQG). Tập trung vào 14 nội dung cụ thể, Dự thảo Luật nhận được đa số ý kiến tán thành của các đại biểu (ĐB). Về nguyên tắc quản lý, sử dụng DTQG, một số ĐBQH đề nghị bỏ nguyên tắc bí mật tại Điều 7 vì đã cho các tổ chức, cá nhân tham gia dự trữ thì không còn bảo đảm bí mật. Tuy nhiên, Uỷ ban TVQH cho rằng, bên cạnh nhiều nội dung về DTQG có thể công khai thì có những vấn đề phải bảo đảm bí mật ở mức độ nhất định. Do đó vẫn giữ nguyên tắc trên trong Dự thảo Luật. Nhiều ĐB cũng đã đồng tình với phương án này...
Không nên trì hoãn tăng lương
Thảo luận tại tổ sáng 24.10, nhiều ĐBQH khẳng định, việc tăng lương tối thiểu liên quan đến khoảng 22 triệu người hưởng lương, nên không thể trì hoãn như đề xuất của Chính phủ. ĐB Trần Thanh Hải (TP.HCM) cho rằng, với 78.400 cán bộ công chức ở đang hưởng lương hệ số 3.0 trở xuống thì việc tăng lương là rất quan trọng để đảm bảo đời sống. Nếu căn cứ vào nguồn thu mà không điều chỉnh lương là không hợp lý, chưa kể đến mục tiêu vào năm 2015 là đảm bảo đời sống cả người thân. Do vậy, Chính phủ phải tiết kiệm chi tiêu công bất hợp lý, đồng thời đảm bảo thu tốt để có nguồn điều chỉnh lương tối thiểu. Ông Hải cũng đề nghị Chính phủ sớm công bố việc điều chỉnh lương người lao động khối doanh nghiệp từ 1.1.2013, với mức lương 2,7 triệu đồng/tháng đã được các bộ ngành thống nhất nhằm tạo yên tâm cho người lao động.
ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cũng đồng tình: “Lộ trình cải cách tiền lương không nên trì hoãn nữa. Khi Chính phủ vừa có ý định lùi lại, tôi nhận được rất nhiều email, tin nhắn của người dân, thậm chí họ cắt cả các bài báo nói về vấn đề này gửi tới. Vì thế, Chính phủ phải đầu tư tài chính cho vấn đề này, giải quyết tâm lý của hơn 20 triệu người hưởng lương”.
ĐB Nguyễn Hữu Quang (đoàn Hà Nội) lên tiếng khá gay gắt: “Quan điểm của Chính phủ là chi ngân sách là chi cho con người. Thế nhưng Bộ Tài chính lại viện lý do không có 60.000 tỷ đồng nên không thể thực hiện đúng lộ trình cải cách tiền lương. Như vậy, từ quan điểm tới chủ trương là không thống nhất. Chúng tôi đề nghị, nếu không tăng cả thì cũng phải thực hiện một phần, nếu không tăng được từ 1,05 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng thì tăng một nửa thôi. Như vậy, ngân sách chỉ cần 30.000 tỷ đồng là đủ”.
Hải Phong
Hải Phong - Đức Hiếu - Ngọc Tú