Dân Việt

Lăng mộ vua Trần bị đào trộm

17/08/2012 13:38 GMT+7
Tại di tích Nguyên lăng - lăng tẩm của vua Trần Nghệ Tông (1321 - 1394), các nhà khảo cổ tìm thấy rất rõ dấu vết của các cuộc đào phá để ăn trộm của cải vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vừa hoàn thành khai quật khảo cổ Phụ Sơn lăng - lăng tẩm của vua Trần Dụ Tông (1336 - 1369) và Nguyên lăng - lăng tẩm vua Trần Nghệ Tông ở Quảng Ninh.

Cuộc khai quật nhằm điều tra, khảo sát, nghiên cứu đánh giá giá trị di tích Phụ Sơn lăng và Nguyên lăng trong tổng thể lăng mộ nhà Trần, đồng thời đề xuất kế hoạch nghiên cứu, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Nhiều nền móng vật liệu kiến trúc có trang trí hình rồng, biểu tượng của vương quyền đã được xuất lộ.

img
Mặt bằng khảo cổ Nguyên lăng. Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Tuy nhiên, theo An ninh Thủ đô, tại di tích Nguyên lăng, các nhà khảo cổ tìm thấy rõ dấu vết của các cuộc đào phá để ăn trộm của cải vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Trộm đã phá hủy gần như toàn bộ phần nền của khu trung tâm mộ.

Còn báo Quảng Ninh dẫn lời các nhà nghiên cứu cho hay, bọn trộm đã đào sâu xuống huyệt mộ, làm bật lên rất nhiều than tro và gỗ, trong đó có các súc gỗ lớn dài 3 - 5 mét. Ở trung tâm lăng, hiện vật còn lại chỉ là gạch ngói, than tro, vôi bột, mẩu gỗ vụn và hợp chất vốn được sử dụng phổ biến ở các ngôi mộ thời Trần.

Theo lời kể của người dân, mộ vua có thể có 1 - 2 lớp quách, lớp ngoài có dạng hình cũi, trong cùng là quan. Do kết cấu mộ đời Trần sử dụng vôi bột, than tro và hợp chất đặc trưng rắc ở nền và xung quanh thành huyệt nên theo thời gian đã khiến lớp đất xung quanh huyệt trở nên cứng như đá.

Vì vậy, những kẻ trộm mộ chỉ đào đến đúng đường biên huyệt mộ cũng như đào xuống sâu tới 5 - 6 m phải dừng lại vì tưởng gặp hòn đá lớn. Ngoài ra, việc khai quật cũng đã làm xuất lộ đường huyệt đạo dài 4,5 m, rộng 3,1 m chia làm nhiều bậc dẫn từ phía Nam vào trong huyệt mộ.

Nguyên lăng là lăng tẩm của Trần Nghệ Tông, con thứ 3 của vua Trần Minh Tông; ông lên ngôi khi đã 50 tuổi và năm 53 tuổi thì nhường ngôi. Lăng nằm trọn trên một sườn đồi chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, thuộc khu vườn cây nhà các hộ dân ở Khe Nghệ, xã An Sinh, Đông Triều (Quảng Ninh).

Theo VnExpress