Tuổi nhỏ, chí lớn
Cùng chiến trường, cùng hoàn cảnh trong chiến trận với Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, nhưng nghe ra cuộc đời người thương binh Trần Thị Như Hoa đất Bình Định lại muôn phần lầm lụi. Ngày những người con Hà Thành lại là giới học thức như chị Đặng Thuỳ Trâm lên đường, họ biết đến hoa, đến những lời đưa tiễn, hào khí rợp trời… còn ngày bà Hoa lên đường đánh giặc thì âm thầm, đơn độc mà như bà kể là “trốn chui, trốn lủi”.
Bà Trần Thị Như Hoa (phải) đang kể lại một quãng đời gian khổ. |
Ngày 12. 5. 1968, lễ phát động thanh niên lên đường nhập ngũ đánh Mỹ tại xã Hoài Sơn, Hoài Nhơn (Bình Định) vừa bắt đầu thì một cô gái bé nhỏ chen lên đăng ký đầu tiên. Cô gái đó là bà Hoa. Những người dự lễ phát động lặng đi và sau đó là hàng trăm thanh niên đã tình nguyện lên đường nhập ngũ để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968.
Sau cuộc phát động, các cán bộ tuyển quân mới biết cô bé xung phong đi đánh giặc ấy mới 15 tuổi. Tất nhiên là nguyện vọng ấy bị khước từ.
Bà Hoa vừa cười vừa kể: “Nhớ lại hồi ấy, tôi tức cười quá. Tôi chỉ nghĩ mình cứ trốn nhà theo mấy anh em vừa nhập ngũ kia để được đánh đuổi bọn xâm lăng. Các anh lớn không giao cho mình súng để giết giặc thì mình đi theo nấu cơm cho các anh, ai ốm đau, trúng đạn thì mình chăm sóc, việc ấy mình dư sức làm. Các anh ăn cơm còn thừa thì mình ăn, mình nhỏ con ăn ít lại chịu khổ quen rồi, sợ gì đâu”…
Nghĩ thế nên sợ làm phiền đến các anh lớn, bà Hoa tự kiếm đôi dép râu (dép cao su) và chiếc võng, ngày các anh lớn lên đường thì bà cũng bám theo. Lên đến nơi nhận quân, mọi người tá hoả khi thấy cô bé 15 tuổi nhỏ xíu. Mọi người đều bảo: “Cháu còn nhỏ, cháu cứ về đi, bao giờ lớn thì các chú cho nhập đơn vị”. Cô bé 15 tuổi lăn ra khóc, lại còn doạ: “Các chú không cho cháu nhập đơn vị thì cháu cứ một mình như vầy đi tìm quân thù để đánh”…
Kết quả của cuộc “mặc cả” ấy là bà Hoa đã được nhận vào Trung đoàn 240, Quân khu V, làm nhiệm vụ vận tải.
Nói về nguyên nhân của cái sự “hăng máu đánh giặc” ấy, bà Hoa kể: “Làm người ở đất nước bị xâm lăng khổ sầu trời đất thảm chú ơi! Ba tôi vì tham gia hoạt động cách mạng nên bị quản thúc, đâu có làm ăn gì được. Má tôi và lũ em cực quá trời, còn tôi phải lưu lạc lên tận Tây Nguyên làm thuê cho người ta lúc mới hơn 10 tuổi. Không đánh đuổi tụi nó đi thì con cháu mình còn khổ dài dài”.
Sau đó, với những chiến công của mình, bà Hoa được bầu là Chiến sĩ Thi đua và được đi tham dự Đại hội Thi đua Quân khu V. Rồi bà được cử đi học y tá và về vùng Quảng Ngãi chiến đấu, làm y tá cho quân y trạm. Biết bà cùng ở chiến trường với Anh hùng Đặng Thuỳ Trâm, tôi đùa: “Sao hồi đó cô không viết nhật ký, biết đâu bây giờ cuốn Nhật ký Trần Thị Như Hoa cũng được nhiều người biết?”, bà chủ hãng nước mắm xua tay: “Ôi trời! Sao mà biết viết như chị ấy được. Chị ấy là người có học lại là người Hà Nội mới biết viết nhật ký, chứ tôi đến vừa rồi mới biết nhật ký nó là cái gì”...
Năm 1976, bà rời quân ngũ với vết thương được xếp hạng 3/4 ¾ (mất 41% sức khoẻ). Tạm biệt đời lính khi non sông đã độc lập, bà lại bước vào một cuộc chiến mới như bà nói: “Cái cuộc chiến sau này cũng dữ dằn lắm nghe”.
Đánh giặc, làm giàu cùng một mục đích
Lấy chồng, có con sau ngày về quê, bà Hoa tiếp tục bước vào cuộc trường chinh đầy nước mắt để đánh đuổi giặc nghèo. Năm 1984, với 4 đứa con thơ dại, người đảng viên ấy đã có một quyết định mà bản thân bà phải đứt từng khúc ruột: Làm đơn xin thôi sinh hoạt Đảng. Cơ sự dẫn tới việc đau lòng này chỉ đơn giản là “miếng cơm manh áo”. Nhìn đám con đói khổ, bà buộc phải tính đến chuyện làm kinh tế, buôn bán, mà thời đó buôn bán tư thương là vi phạm Điều lệ Đảng. Bà kể: “Thực ra mình buôn bán “chui” cũng được thôi. Nhưng không trung thực với Đảng, tôi bứt rứt không thể chịu được”. Thêm một nỗi đau nữa đến với bà là người chồng đã bỏ đi...
Bà Hoa nhớ lại, lúc ấy, chỉ cách vài chục km nhưng miền núi thì coi cá biển như vàng, còn miền biển vứt thừa, bỏ đi. Khởi sự kinh doanh của bà Hoa là đến xin thu nhận đầu cá bỏ đi của các hợp tác xã chế biến cá, mang về phơi khô và đem lên miền núi để bán. Một việc làm giúp ích cho nhiều người: Các hợp tác xã không phải lo dọn phế phẩm, người dân miền núi có cá ăn và đám con bà Hoa có cơm ăn, áo mặc.
Từ việc buôn bán vặt này, bà Hoa mở rộng sang buôn bán nước mắm và sau đó quyết định tự sản xuất nước mắm. “Có quyết tâm cao thì sẽ làm được. Ngày xưa mình quyết tâm đánh giặc dù bao khó khăn cũng vẫn làm được” - bà nghĩ vậy. Mẻ mắm đầu tiên đã đặt nền móng cho thành lập Hãng nước mắm Như Hoa với giám đốc là bà Hoa và nhân viên là… 2 cô con gái.
Bây giờ được xếp vào hạng những doanh nhân nổi tiếng đất Bình Định nhưng triết lý làm giàu của bà Hoa đơn giản đến không ngờ: “Tôi cố làm để cho mọi người xung quanh bớt khổ thôi. Ngày xưa trốn nhà đi đánh giặc cũng là muốn cho con cháu mình sau này đỡ khổ. Làm có chút tiền thì muốn giúp đỡ mọi người cũng dễ dàng hơn”.
Mấy chục công nhân của bà Hoa hầu hết đều là con của đồng đội. Mức lương xấp xỉ 3 triệu cho mỗi công nhân ở vùng đất này cũng là đủ để bà Hoa có thể hoàn thành tâm nguyện giản đơn: “Để mọi người xung quanh bớt khổ”.
Tuấn Lệ