Báo NTNN nhận được những thắc mắc của một số bạn đọc về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của. Chúng tôi xin đăng những giải đáp của Tập đoàn Điện lực VN.
Hỏi: Gia đình tôi tháng nào cũng dùng hết hơn 200kWh điện, thực tế cũng chỉ có các thiết bị sinh hoạt gia đình như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện... Xin hỏi, với các thiết bị này, để dùng điện tiết kiệm, tôi phải làm gì? (Lê Thị Bóng, Tây Hồ, Hà Nội)
Trả lời: Để dùng điện tiết kiệm, trước hết bạn cùng gia đình cần điều chỉnh những thói quen lãng phí điện như: Ra khỏi phòng quên tắt đèn; bật TV nhưng không xem; bật bình nước nóng quá lâu, nước nóng không dùng hết... Sau đó xem tới các thiết bị điện đang dùng có thuộc dạng thiết bị tiết kiệm điện chưa, nếu chưa thì nên thay bằng thiết bị tiết kiệm điện. Ví dụ thay đèn tròn bằng đèn compact, đèn tuýp ống to thay bằng đèn tuýp ống nhỏ hơn...
Hỏi: Xin được hỏi, đối với đường dây trung áp, khoảng cách để xây dựng nhà ở và các công trình sinh hoạt cần cách tối thiểu bao nhiêu mét để đảm bảo an toàn? (Nguyễn Văn Tuấn, Gia Lộc, Hải Dương)
Trả lời: Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP, điều kiện để nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang đường dây dẫn điện trung áp (đến cấp điện áp 35kV) phải đảm bảo khoảng cách an toàn là 3m. Tuy nhiên, khi có ý định cải tạo, cơi nới nhà trong hành lanh an toàn lưới điện, chủ công trình ngoài việc xin phép xây dựng cần thông báo đến đơn vị quản lý công trình điện để được tư vấn, hướng dẫn điều kiện an toàn điện.
Các đường dây hạ áp nguồn điện có nguy hiểm không? Tại sao khi mất điện, chúng tôi mang gậy ra gõ vào đường dây thì có người bị giật, có người không? (Nguyễn Văn Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh)
Trả lời: Các đường dẫn hạ áp cũng được coi là nguồn nguy hiểm, kể cả khi chúng ta sơ ý chạm vào hoặc chạm vào vật trung gian có nguồn điện chạy qua. Khi trong nhà mất điện, có thể đường dây dẫn điện hạ áp vẫn còn điện, bà con không được dùng gậy gõ vào đường dây rất nguy hiểm. Bởi đó là những vật dụng không hoàn toàn cách điện nên dễ bị điện giật.
NTNN