Trong khi đó, các cơ quan chức năng khẳng định, nguồn cung xăng vẫn đủ, chưa hề có quyết định tăng giá.
Bán hàng nhỏ giọt
Ngày 17.2, hàng loạt cây xăng trên địa bàn tỉnh An Giang chỉ bán nhỏ giọt, thậm chí tại TP. Long Xuyên hàng loạt cây xăng đóng cửa. Đó cũng là tình trạng chung trong mấy ngày qua ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, do thông tin xăng dầu có khả năng tăng giá.
Một cây xăng đóng cửa, báo hết xăng ở xã Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang |
Ông Phan Lợi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thừa nhận, tình trạng trên là có thực. Tuy nhiên, các đoàn kiểm tra chỉ bước đầu lập biên bản các trường hợp đóng cửa ngừng bán hoặc đóng cửa sớm hơn thường lệ, đồng thời động viên họ tiếp tục mở cửa mua bán bình thường.
Tại các tỉnh miền Trung, trong đó có Đà Nẵng do thông tin chuẩn bị tăng giá nên nhiều cửa hàng xăng dầu thấp thỏm găm hàng, ngừng bán, hoặc bán với số ít chờ giá mới. Các cây xăng Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa (quận Hải Châu) hay nhiều cây xăng lớn tại Hòa Khánh (Liên Chiểu) tự dưng cho ngừng một vài cột bơm với lý do "hỏng", "cúp điện", "chờ sửa chữa"…
Tại Thanh Hóa, ông Hoàng Văn Bình- Giám đốc Công ty Xăng dầu Thanh Hóa, cho biết: Sau Tết, tâm lý của nhiều đại lý chọn ngày đẹp mới tham gia thị trường, các đầu mối khác không tham gia thị trường, và đang nghe ngóng về việc tăng giá nên xảy ra hiện tượng nhiều cây xăng không bán hay bán cầm chừng. Cụ thể, một cửa hàng ở thị xã Sầm Sơn có xăng A95 nhưng không bán, chỉ bán xăng A92 và một chủ cây xăng ở đây cũng đóng cửa không bán hàng.
Bán xăng lẻ cạnh cây xăng đóng cửa ở An Giang |
“Nguồn cung vẫn đủ”
Trước tình trạng các cây xăng găm hàng, nhiều địa phương và ngành chức năng đều khẳng định là sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý. Theo ông Trần Văn Tâm - PGĐ Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hoá: Hiện nay, Chi cục đang tích cực chỉ đạo lực lượng cán bộ đi kiểm tra tình hình các cửa hàng kinh doanh xăng dầu dừng bán hàng để đưa ra biện pháp xử lý. Trong quá trình kiểm tra cột bơm, bể chứa và các dụng cụ chứa xăng, nếu phát hiện có hiện tượng găm hàng, sẽ xử phạt vi phạm từ 1 - 5 lần giá trị hàng đầu cơ.
Trao đổi với NTNN, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Petrolimex, khẳng định: Hiện nay nguồn cung xăng vẫn đủ. Nguồn cung xăng của công ty chủ yếu là nhập khẩu, cụ thể, Petrolimex phải nhập khẩu 80% tổng lượng xăng dầu, mua 20% từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, đã chỉ đạo sở công thương các tỉnh, thành phố và các địa phương; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối kiểm tra, kiểm soát. Chi cục Quản lý thị trường các địa phương phải chủ trì phối hợp với các ngành chức năng liên quan tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện các trường hợp cửa hàng xăng dầu vi phạm như đầu cơ, găm hàng, buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại khác.
Bộ Công Thương cho biết, với các hành vi đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt, đóng cửa hàng, giảm thời gian bán hàng, tiết giảm lượng bán hàng sẽ bị xử lý nghiêm. Cho đến thời điểm này, liên Bộ Tài chính - Công Thương vẫn chưa có quyết định chính thức nào cho phép tăng giá xăng dầu. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ phải tiếp tục giữ ổn định giá xăng dầu và tuân thủ mọi quy định về kinh doanh xăng dầu cũng như bán hàng cho đến cuối tháng 2 này.
Cũng dọc QL 2, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Công ty cổ phần Thương mại miền núi Phú Thọ (tại khu phố Đồng Tâm, thị trấn Đoan Hùng) cũng có hiện tượng găm hàng. Trước cửa hàng xăng này treo biển "mất điện" nhưng phía trong phòng đèn điện vẫn sáng; điện còn đủ dùng cho cả bộ đèn nhấp nháy trên cành đào Tết. Khi thấy ống kính máy ảnh, một nhân viên nữ nhanh chân chạy ra cầm tấm biển và ghế kê tấm biển ù té chạy vào trong.
Nhóm phóng viên thời sự