Dân Việt

Ăn mỳ trên ghe, lắc lư say...

Báo Quảng Nam 05/10/2013 11:55 GMT+7
“Mỳ ghe” là cách nói gọn về chiếc thuyền trôi bềnh bồng giữa sông Hoài gần một năm nay, chỉ bán duy nhất món mỳ Quảng.
Tôi là dân miền biển, nhưng lần đầu tiên ăn mỳ trên ghe vẫn có cảm giác lắc lư “say” theo từng gợn sóng. Cái quán mỳ ghe lạ lẫm này bày 4 bộ bàn ghế, có đèn lồng, đôi gánh đủ loại trái cây và đồ ăn nhẹ treo lủng lẳng, dân dã như một ngôi nhà ở quê và “bám” bờ chỉ bằng một cái cầu nhỏ.
img
Chủ quán Hoàng Thị Hoài Thơm luôn sẵn nụ cười đon đả mời khách, nói được cả tiếng Anh. Chị kể, mỗi ngày chiếc ghe nhỏ này đón khoảng 30 du khách, nhiều nhất vào buổi trưa hay chiều tối. Có lẽ cái cảm giác bồng bềnh trên sông khiến tô mỳ Quảng cũng trở nên ngon hơn và hấp dẫn khách chăng?

Ngày mới mở quán, nhiều người bảo vợ chồng chị “khùng” vì lâu nay ít ai nghĩ đến chuyện làm quán trên ghe. Nhưng cũng có người bảo đây là ý tưởng lạ. Anh Hà (chồng chị) rất muốn mở tiệm bán mỗi đặc sản mỳ Quảng quê mình, nhưng phải mở trên sông. Vì thế, anh mượn chiếc ghe cũ của bạn làm “quán”. Mỗi tô mỳ bán với giá 30.000 đồng, trừ chi phí mỗi ngày vợ chồng anh thu lãi 200.000 đồng, quá ít so với công sức bỏ ra để phục vụ từ 4 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Tuy nhiên, anh Hà cười tươi bảo “lời lỗ không tính, cái chính là để thỏa ước mơ được làm ông chủ bán mỳ trên... ghe”.

Kể từ khi mở quán, anh Hà đã đi khắp các quán mỳ ngon để tham khảo thêm “bí quyết”. Rau sống, ớt xanh, nước trà... do anh tự chọn lấy từ những ngôi làng ven đô, với một ý định duy nhất là mỳ ghe vừa ngon vừa lạ trong mắt du khách. Bếp nấu mỳ cũng “lạ”, chỉ vừa vặn cho một người đứng, cách nấu cũng cầu kỳ hơn trên bờ.

Mỳ Quảng ở đây chỉ có một loại tôm thịt và trứng, mỗi thứ lại được nấu riêng. Nước nhưn được nấu từ xương heo; tôm và thịt đều được xíu riêng hai nồi. Khi khách gọi, chủ mới hòa lẫn các vị lại với nhau và cho vào tô mỳ. Chính vì thế, khi thưởng thức tô mỳ ghe này lại có hương vị dân dã nhưng lại lạ lẫm hơn...