Xác định giá đất còn mơ hồ
Về chuyện định giá đất, đại biểu (ĐB) Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) thừa nhận vấn đề này Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn quy định tù mù và làm khó cho người dân. “Tôi cho rằng vấn đề này nằm trong một bài toán lớn hơn, đó là bài toán xử lý hài hòa lợi ích của các bên liên quan. Tôi không biết giá đất là bao nhiêu, nhưng sau khi thu hồi đất của tôi, anh phải cho tôi những lợi ích bằng hoặc là tốt hơn trước” - ĐB Nghĩa gợi ý.
Nguyên tắc thị trường trong xác định giá đất vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng. |
ĐB Đào Trọng Thi (Hà Nội) cũng cho rằng: Tôi chưa thấy có giải pháp nào hứa hẹn được thực hiện có hiệu quả. ĐB Thi đánh giá: Hiện nay đang có hai xu hướng: Một mặt ta rất muốn đưa nguyên tắc, cơ chế thị trường vào quy định giá đất. Nhưng vì thị trường sử dụng đất của chúng ta tới thời điểm này chưa hình thành và phát triển hoàn chỉnh nên áp dụng không dễ.
Ông Thi ví dụ: Định giá quyền sử dụng đất phải căn cứ nó thuộc loại gì, bởi khu đô thị thì dễ quy định, nhưng với đất làm công nghiệp, đất nông thôn chưa phát triển thì lại chưa hình thành được thị trường để định giá. Dự thảo Luật Đất đai thời điểm này mới dừng ở một câu chung chung: Xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, nhưng nguyên tắc thị trường còn mơ hồ. Trước đây nói “sát giá thị trường” đã không phù hợp bởi thế nào là sát giá, sát ở thời điểm nào?
Trong khi đó, ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì đề nghị phải tính toán lại một cách khoa học.
“Vừa qua khiếu kiện đông người phức tạp là do giá đất áp dụng theo ý các địa phương. Hàng năm, cùng một mảnh đất, nhưng năm nay một giá, năm sau một giá. Nên có thể những người chấp hành thì thiệt thòi, những người chây ỳ thì lại được hưởng lợi. Đất giáp ranh hai tỉnh chỉ cách nhau bờ ruộng đã chênh nhau biết bao nhiêu tiền, làm sao dân người ta chấp nhận được. Theo tôi phải quy định làm sao để những vùng giáp ranh là cùng một giá, quy định giá đất theo vùng chứ không thể theo địa bàn tỉnh được” - ông Vinh đề nghị.
Hải Phong - Đức Hiếu
5m2 đất đổi được... tô bún!
Vụ kiện của 7 hộ dân ở thôn 6, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, với UBND huyện Nam Trà My liên quan đến quyết định thu hồi đất và đơn giá đền bù đất kéo dài 2 năm qua hiện vẫn chưa ngã ngũ.
Ông Hoàng Ngọc Trác, đại diện 7 hộ dân nói trên, chỉ tay về phía ruộng, nương bị ngập chìm dưới lòng hồ Thủy điện Sông Tranh 2, xót xa nói: “Nơi đây ngày trước heo hút, chỉ toàn rừng là rừng, bà con phải đổ bao nhiêu công sức, mồ hôi hàng chục năm trời mới tạo dựng nên làng xóm, nương rẫy, ruộng vườn...
Toàn bộ nhà cửa, nương, rẫy của dân bị nhấn chìm trong nước khi chưa được giải quyết thỏa đáng. |
Nhưng khi Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, nhà cửa, ruộng vườn bị chìm sâu dưới lòng hồ, đau đến đứt ruột. Trong khi giá đền bù tài sản cho chúng tôi lại quá bèo bọt. Mỗi m2 đất nông, lâm nghiệp chỉ bồi thường có 2.000 đồng. Mấy anh nghĩ coi, mất 5 - 10m2 đất mới được 1 tô bún, đền bù với mức đó lấy gì để phục hồi sản xuất cũng như sinh sống?”.
Bà Nguyễn Thị Đào
Bà Nguyễn Thị Đào - một trong 7 hộ dân nói trên, còn cho biết: Chúng tôi không biết trong Luật Đất đai quy định thế nào, nhưng chúng tôi không chấp nhận việc chính quyền địa phương thu hồi đất mà không ra quyết định thu hồi. Chúng tôi mỗi người có một “sổ đỏ” - một chứng thực pháp lý về quyền sở hữu đất đai - trong khi chưa có một căn cứ pháp lý nào phủ nhận sở hữu này lại đi thu hồi đất của chúng tôi là sao?
“Ngoài ra, chính quyền địa phương và doanh nghiệp còn đối xử tàn tệ với chúng tôi. Khi chúng tôi chưa đi, chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 đã cho tích nước làm ngập hết nhà cửa, tài sản của chúng tôi, suýt làm chúng tôi mất mạng. Tại sao một doanh nghiệp nhà nước lại mặc kệ mạng sống của người dân như vậy? Chính quyền cũng đã biết chuyện này nhưng lại không hề can thiệp?”- bà Đào nói.
Liên quan đến vụ 7 hộ dân, luật sư Bùi Bá Dũng (Đoàn Luật sư Quảng Nam) đặt câu hỏi: Lúc bấy giờ khung giá đền bù đất nông, lâm nghiệp của Dự án Thủy điện Sông Tranh 2 theo quy định là từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/m2, nhưng vì sao ban áp giá đền bù lại không chọn mức 5.000 đồng/m2 để đền bù cho người dân mà lại chọn giá thấp nhất là... 2.000 đồng? Ở đây, phải chăng chính quyền địa phương đã không chọn phương châm “cái gì lợi cho dân thì làm” mà chọn cách làm lợi cho doanh nghiệp?
Luật sư Dũng cho biết thêm, theo Luật Đất đai, việc không có quyết định thu hồi đất của dân mà lại tiến hành thu hồi đất là sai. Sai ở đây thuộc về chính quyền ở Quảng Nam. Ngoài ra, Ban quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 đã quá nóng vội khi cho tích nước khi chưa vận động dân đi gây thiệt hại về tài sản và nguy hiểm tính mạng cho người dân...
Trương Hồng
Đền bù giá rẻ, nhiều người khiếu kiện
Do giá đền bù đất rẻ mạt nên gần 10 năm nay, hàng chục người dân nằm trong khu quy hoạch tuyến công nghiệp Cổ Chiên, thuộc khu vực IV ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long bức xúc đội đơn đi khắp nơi để cầu cứu...
Trong một căn nhà lụp xụp rách nát nằm bên bờ sông Cổ Chiên, ông Quan Tứ Cao - người bị thu hồi hơn 7.000m2 đất ruộng, vườn và lò gốm nhưng được áp giá bồi hoàn 500 triệu đồng, buồn rầu nói: “Tui chưa nhận đồng tiền bồi hoàn nào. Hiện nay hàng ngày phải làm kẹo dừa đi bỏ mối nuôi sống cả gia đình vì vườn, ruộng đã bị cưỡng chế bơm cát san phẳng, nay chính quyền bỏ hoang cho cỏ mọc. Nhà tui đang ở có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, mưa to gió lớn là cả nhà phải chạy đi lánh nạn”.
Cách đó không xa là căn nhà hư nát sắp sập và 3 lò gốm đã ngừng hoạt động của ông Dương Hoàng Sơn. Ông Sơn được bồi hoàn 1,2 tỷ đồng cho 32.000m2 đất, nhà cửa và 3 miệng lò gốm, nhưng thấy không thể sắm sửa lại được cơ ngơi với số tiền đền bù nên ông không nhận tiền, bám trụ lại để đi kiện đòi sự công bằng.
“UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất và bồi hoàn 45.000 đồng/m2 đất thổ cư, đất vườn 40.500 đồng/m2, đất ruộng chỉ hơn 30.000 đồng/m2, một miệng lò gốm bồi thường 60 triệu đồng trong khi chi phí xây lò mới gần 150 triệu đồng, làm sao tôi đành lòng. Chúng tôi sẵn sàng giao đất cho Nhà nước phát triển công nghiệp, nhưng Nhà nước cũng phải bồi hoàn sao cho thỏa đáng để người dân có thể sống được” - ông Sơn nói.
Đức Khánh