Dân Việt

Nên áp dụng chính sách hai giá điện

21/02/2011 06:48 GMT+7
(Dân Việt) - Thay vì mỗi năm cứ phải tăng giá điện một cách “nhỏ giọt” và lo ngại những tác động xấu tới nền kinh tế, đời sống người dân, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng chính sách 2 giá điện “vừa ích nước vừa lợi dân”...

Ông Trần Viết Ngãi nói như vậy khi trả lời phóng viên NTNN về chủ trương tăng giá điện.

Thưa ông, có thông tin Chính phủ đã chấp thuận tăng giá điện bình quân năm 2011 là 15,28% và thực hiện từ tháng 3. Ông đánh giá thế nào về phương án này?

 img
 

- Nếu đúng như thế thì đó là mức tăng thấp. Theo đó, giá điện sẽ chỉ tăng thêm hơn 100 đồng/kWh, tức là chỉ đạt hơn 5 cent/kWh. Với việc tăng giá điện thấp như vậy sẽ tiếp tục không khuyến khích được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành điện VN. Tập đoàn Điện lực VN vẫn lỗ và không có vốn để tái đầu tư. Điều này cũng có nghĩa tình trạng mất điện vẫn còn kéo dài và ảnh hưởng tới nền kinh tế...

Nhưng mục đích của việc tăng giá điện không phải là để hạn chế thua lỗ cho ngành điện...

- Tất nhiên không phải hoàn toàn là như vậy. Song ít ra yếu tố quan trọng để tính toán tăng giá điện là phải làm sao cho ngành điện đủ năng lực để vay vốn, tái đầu tư; làm sao để ngành điện phát triển được các công trình điện, các nhà đầu tư đổ vốn xây dựng các nhà máy... Bản thân chúng ta cũng còn phải kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện vì tự ta không đủ khả năng để làm. Vậy nếu giá điện cứ thấp như hiện nay (không đạt được từ 7cent/kWh trở lên) thì làm sao có thể thu hút đầu tư phát triển ngành điện VN được.

Năm nào chúng ta cũng tăng giá điện, vậy tại sao tình trạng thiếu điện vẫn xảy ra và chúng ta vẫn khó thu hút đầu tư vào phát triển nguồn điện?

- Mục tiêu của chúng ta từ nay đến năm 2020 là trở thành nước công nghiệp. Lúc đó sản lượng điện bình quân đầu người phải đạt 2.500 - 3.000 kWh (hiện giờ chúng ta mới đạt có 800 kWh). Chỉ còn 9 năm nữa thì làm sao phát triển kịp?

Chính vì điều này mà Chính phủ chủ trương phải tăng giá điện hàng năm để có nguồn vốn xây dựng thêm các nhà máy điện, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Song, theo tôi, với cách tăng nhỏ giọt như hiện nay thì không giải quyết được vấn đề gì, lại gây tâm lý không tốt trong nhân dân.

 img
Theo ông Trần Viết Ngãi, cần có giá điện riêng cho người nghèo, người dân nông thôn, miền núi...

Điều tôi quan tâm là thay vì tăng giá điện nhỏ giọt như hiện nay tại sao chúng ta không nghiên cứu, áp dụng chính sách 2 giá điện: Một loại giá điện cho người giàu và một loại cho người nghèo. Nếu làm như thế thì Chính phủ, các cơ quan nhà nước sẽ không phải đau đầu tính toán lo tác động của việc tăng giá điện tới đời sống kinh tế - xã hội như hiện nay.

Ông có thể nói rõ hơn về thực hiện chính sách 2 giá điện?

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mức tăng 15,28% là cao nhất từ trước đến nay nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các phương án của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực và Hiệp hội Năng lượng VN đưa ra. Theo ông Doanh, mức tăng này khá cao nhưng cũng thể hiện sự dung hòa giữa các bên và đã tính đến khả năng chịu đựng của thị trường. T.K

- Tức là chúng ta cần có một chính sách giá điện thấp cho người nghèo, vùng nông thôn, miền núi khó khăn; cho người có thu nhập thấp trong xã hội và giá này sẽ được Chính phủ bao cấp. Một mức giá điện khác cao hơn cho những người thu nhập cao, cho các doanh nghiệp kinh doanh, cho các khách sạn, nhà hàng...

Nếu từ lâu chúng ta có chính sách 2 giá điện như vậy thì bây giờ không những vừa đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư điện cho đất nước lại vừa giảm tác động xấu tới nền kinh tế, đời sống người dân nghèo. Các nước họ đều làm như vậy và rất thành công. Bởi người nghèo rất khó khăn để trả tiền điện với giá cao, song người giàu và các đơn vị kinh doanh hiệu quả họ sẵn sàng trả tiền điện với giá cao nếu có đủ điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Nhưng làm sao có thể tách bạch được các đối tượng sử dụng điện như vậy một cách minh bạch, sòng phẳng để có thể thực hiện chính sách 2 giá điện hiệu quả như ông nói?

- Hàng năm, Bộ LĐTBXH đều có các thống kê về số người nghèo, người về hưu, sinh viên, người khuyết tật, thất nghiệp.... Bộ này cũng có thống kê thang bảng lương để biết ai lương thấp, ai lương cao. Vấn đề ở đây là Nhà nước có chủ trương nghiên cứu áp dụng chính sách hai giá điện này hay không chứ không phải là chúng ta không làm được.

Dù là áp dụng chính sách nào đi nữa thì với phần lớn người dân, việc tăng giá điện là tín hiệu không tốt...

- Đúng là không tốt, nhưng nếu cứ để mãi giá điện thấp thì tình trạng thiếu điện, mất điện sẽ ngày càng trầm trọng. Lúc đó nền kinh tế của đất nước sẽ ra sao? Chưa kể áp dụng giá điện thấp sẽ không khuyến khích tiết kiệm. Áp lực với ngành điện sẽ ngày càng tăng và từ nay tới năm 2020 chúng ta cần tăng lượng điện lên tới 25.000- 30.000 MW với vốn đầu tư hàng trăm tỷ USD thì ai sẽ vào đầu tư nếu giá điện thấp?

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu VN sớm có thị trường điện cạnh tranh thì tình hình có thể sẽ "sáng sủa" hơn, người dân có thể có đủ điện tiêu dùng với giá phải chăng, ông nghĩ sao về ý kiến đó?

- Dù thị trường gì thì trước hết chúng ta phải có đủ điện thì nền kinh tế mới phát triển ổn định. Thiếu điện và mất điện thì sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn. Do vậy, bài toán đặt ra là thiếu tiền thì nguồn điện không thể phát triển. Ngay việc đi vay để đầu tư điện cũng không ai cho vay, thu hút đầu tư vào điện cũng không ai đầu tư.

Hiện EVN lỗ hơn 25.000 tỷ đồng và nợ còn rất lớn. Với giá điện và chính sách giá điện như hiện nay nếu là tư nhân thì đã không thể tồn tại được. Do vậy, người dân hãy hiểu tăng giá điện như thế nào là hợp lý để lợi cả cho người dân và cho cả Nhà nước.

Xin cảm ơn ông! 

Chính phủ chọn phương án tăng 15,28%

Trả lời báo chí chiều 19.2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng giá bán điện bình quân năm 2011 lên 15,28% so với năm 2010. Theo đó, giá điện năm 2011 sẽ tăng từ 1.058 đồng/kWh lên 1.220 đồng/kWh.