Dân Việt

Tấm phản đặc biệt

22/02/2011 15:40 GMT+7
(Dân Việt) - Thăm Phòng truyền thống của Trung tâm Văn hóa - thể thao và Du lịch huyện An Nhơn, Bình Định, tôi khá bất ngờ khi được cán bộ làm công tác bảo tàng giới thiệu một chiếc phản bằng gỗ gõ.

Tấm phản gỗ nước lên bóng, dày chừng 8 cm: "Tháng 7-1954, Khu uỷ Khu 5 đã mở Hội nghị quan trọng, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (lúc đó là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ) về dự

Địa phương đã bố trí đồng chí Lê Duẩn ở nhà bà Tô Thị Cán, thôn Bá Canh, thị trấn Đập Đá và đồng chí đã nghỉ trên chiếc phản này". Tôi tìm về thôn Bá Canh với lời chỉ dẫn khá gọn ghẽ rằng chủ nhân của tấm phản (người ở đây gọi là bộ ngựa) ở dưới chân tháp Cánh Tiên.

img
Chiếc phản được trưng bày ở Trung tâm văn hoá, thông tin, thể thao huyện An Nhơn.

Ngôi nhà đầy kỷ niệm xưa đã được thay bằng căn nhà mái đúc khang trang. Anh Nguyễn Nhật Cát, cháu gọi bà Tô Thị Cán bằng bác cho biết: "Hồi bé tôi đã thấy trong nhà có chiếc phản gồm 3 tấm nhỏ ghép lại ở vị trí trang trọng. Bác Cán nói, tấm phản này đã từng có một vị khách đặc biệt đến nghỉ. Bác ấy chỉ nói với tôi vậy thôi chứ chẳng kể lể với ai bao giờ, nên đến khi mất cũng chẳng báo cáo với địa phương..." .

Ông Nguyễn Văn Châu, 87 tuổi, đảng viên lão thành ở Bá Canh kể lại: "Hồi đó tôi làm dân quân được phân công canh giữ rất kỹ khu vực nhà bà Cán và bà Diệp. Lúc đó chỉ nghe mọi người gọi đồng chí ở nhà bà Cán là anh Ba, còn làm gì thì không ai rõ.

Sau này đọc lịch sử Đảng bộ huyện An Nhơn tôi mới biết rằng, tại Bá Canh đã diễn ra Hội nghị quan trọng do Khu uỷ 5 triệu tập để nghe đồng chí Nguyễn Duy Trinh (sau này là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao) thay mặt T.Ư Đảng và Chính phủ từ Hà Nội vào truyền đạt Hiệp định Geneve và chủ trương của T.Ư về chuyển hướng công tác ở miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn lúc này đang ở Khu 5 đã về dự".

Người có công đưa tấm phản đến với mọi người là ông Nguyễn Hữu Nhơn, nguyên Trưởng ban bảo tồn Phòng văn hoá thông tin huyện An Nhơn hiện đã nghỉ hưu ở xã Nhơn Mỹ. Khi quê hương giải phóng, nghe các đồng chí ở quê mình kể về chiếc phản, ông Nhơn đã quyết tâm tìm kiếm và đưa bằng được hiện vật này về huyện vào năm 1980. Bà Cán rất lưu luyến khi nhìn tấm phản cùng chiếc gối bà đã cất giữ mấy mươi năm được khiêng lên xe. Tiếc là trong trận lũ lụt năm trước, hai trong ba tấm ghép bị hỏng, hiện nay chỉ còn trưng bày một tấm duy nhất.