Các bác sỹ Bahrain cũng tham gia biểu tình sau khi rất nhiều người bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát |
Hàng ngàn người biểu tình tập trung tại quảng trường Pearl ở thủ đô Manama, Bahrain, bắt đầu từ đêm 15.2, nhằm cất lên tiếng nói phản đối Thủ tướng Sheikh Khalifa Bin Salman Al Khalifa, yêu cầu thả các tù nhân chính trị, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao phúc lợi xã hội và áp dụng hiến pháp do nhân dân xây dựng.
Tại Yemen, những người ủng hộ phe đối lập cùng kéo về thủ đô Saana, kêu gọi Tổng thống Abdullah Saleh từ chức, như những gì mà Tổng thống Ai Cập Mubarak buộc phải làm dưới sức ép của công chúng.
Hỗn loạn xảy ra tại thủ đô Tehran của quốc gia Hồi giáo Iran, khi hàng nghìn người thuộc phe đối lập xuống đường phản đối chính phủ, đồng thời yêu cầu trả tự do cho hai thủ lĩnh của họ. Lực lượng an ninh đã sử dụng dùi cui, hơi cay và những biện pháp mạnh khác để trấn áp đám đông.
Tại Ý, hơn 100.000 người, trong đó rất đông là phụ nữ, biểu tình tại nhiều nơi trên khắp cả nước, yêu cầu Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức. Đây được coi là cuộc biểu tình lớn nhất tại Ý trong nhiều năm qua.
Ông Berlusconi là vị Thủ tướng “trường kỳ” nhất trong lịch sử nước Ý. Hiện, ông đang phải đối mặt với cáo buộc lạm dụng chức quyền và mua dâm trẻ vị thành niên.
Các cuộc biểu tình đòi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương của Algeria. Khẩu hiệu ““Bouteflika phải ra đi” vang lên từ mọi góc phố thủ đô. Người dân phẫn nộ vì tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, đời sống khó khăn và bão giá.
Bầu không khí “nóng như lửa” bao trùm khắp đất nước Libya khi có tới hàng trăm người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh chính phủ.
Chưa có dấu hiệu khả quan nào cho thấy, tình hình tại Libya sẽ lắng dịu trong ít ngày tới. Nhà lãnh đạo Libya – Đại tá Gaddafi tuyên bố, ông sẽ không từ chức và quyết chiến đấu tới “giọt máu cuối cùng” với những phần tử chống đối.
Thu Thảo (Tổng hợp)