Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra các tiêu cực trong buôn bán xăng dầu với mong muốn kiểm soát được giá xăng sẽ kiểm soát được nhiều vấn đề khác.
Ngân hàng phải chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp
Sáng 30.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013. Hầu hết các ý kiến phát biểu đóng góp tập trung vào việc xử lý nợ xấu, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó các ý kiến đề cập thẳng vào khối ngân hàng.
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, thực tế hiện nay ngân hàng còn dư tiền, cần điều chỉnh hệ thống ngân hàng giảm lãi suất thương mại xuống còn 11% và tăng cho vay tiêu dùng. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thì phân tích khá nhiều số liệu để đưa ra nhận định việc kiềm chế lạm phát chưa được hợp lý và hỗ trợ doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Ông nhấn mạnh: “Trong điều kiện dư cung tín dụng như hiện nay, đề nghị chính phủ, ngân hàng nhà nước chỉ đạo hạ thấp lãi suất, đổi mới tiếp cận vốn để tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khu vực nông thôn”.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng mặt bằng lãi suất ở Việt Nam hiện đang ở mức 17%- cao gấp 2-3 lần các nước trong khu vực (Indonesia, Malaysia… lãi suất chỉ 5-7%). Lãi suất cao khiến sản phẩm mất tính cạnh tranh. “Ngân hàng nhà nước phải chỉ đạo ngân hàng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp, chia sẻ với cả nền kinh tế” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Đai biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) thì có góp ý về xử lý nợ xấu. Theo ông, nợ xấu đang là “cục máu đông” làm nghẽn dòng chảy tín dụng nên nhiệm vụ ưu tiên cuối năm 2012 và đầu năm 2013 là phải giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cần phải phân loại nợ xấu để có biện pháp xử lý tương ứng từng loại nợ, sử dụng các quỹ dự phòng rủi ro để giải quyết, tán thành việc thành lập công ty xử lý nợ.
Đề nghị ban hành chế tài về kinh doanh xăng dầu
Một phát biểu thẳng thắn, trực tiếp vào vấn đề xăng dầu là phát biểu của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Theo bà Nga, việc kinh doanh xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 84/2009 và không được sửa đổi dẫn tới cả 3 bên đều kêu: Người tiêu dùng kêu giá tăng nhanh giảm chậm, doanh nghiệp kêu lỗ và nhà nước lúng túng trong quản lý.
Đại biểu Nga đề nghị ban hành Luật hoặc Pháp lệnh về kinh doanh xăng dầu bởi thực tế hiện cả nước có 12 doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu nhưng Petrolimex chiếm 60% thị phần. Khi tăng giá là các doanh nghiệp tăng đồng loạt giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Điều này vi phạm Luật cạnh tranh.
“Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà doanh nghiệp tăng giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương lại phải đứng ra giải thích như ở ta. Liệu ở đây có vấn đề về lợi ích nhóm?”, đại biểu Nga nói
Bà Nga cũng nêu thực tế, một lít xăng hiện gánh tới 4-5 loại phí, chiếm tới 30-40% tổng phí trên 1 lít xăng, cần phải kiểm soát để bãi bỏ phí, giảm giá xăng để hỗ trợ các ngành sản xuất khác. Ngoài ra cũng cần giám sát việc tạm nhập, tái xuất xăng bởi đây là hành vi tiếp tay cho buôn lậu, tiếp tay cho doanh nghiệp lũng đoạn thị trường.
Bà đưa ra con số cụ thể: “Thời gian qua, có tới hơn 2 triệu lít xăng dầu tạm nhập mà không tái xuất, nếu tạm nhập lúc thuế suất bằng 0 và tính giá với thuế 12% thì doanh nghiệp đã có lãi suất khổng lồ”.
Doanh nghiệp lãi như vậy mà tình trạng xăng kém chất lượng vẫn ngang nhiên tồn tại, gây cháy nổ cho các phương tiện giao thông. “Việt Nam có 37 triệu phương tiện ô tô, xe máy, nếu cháy nổ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân”, bà Nga nói.
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sáng 30.10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời nhanh hai vấn đề đang “nóng” ở nghị trường là hàng tồn kho và giá xăng dầu.
Bộ trưởng cho rằng, chỉ số hàng tồn kho ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ngày 1.6 là 34,9%, sau 3 tháng kiểm soát, tới ngày 1.10 chỉ số tồn kho xuống còn 20,3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khó khăn nhất là giải quyết hàng tồn kho trong ngành thép. Lượng tồn kho mặt hàng này tăng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ và cung vượt cầu.
Về xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng việc kiểm soát, phân xử vấn đề cạnh tranh thuộc thẩm quyền của Hội đồng cạnh tranh. Đây là cơ quan liên bộ, do Thủ tướng chỉ định người đứng đầu, Cục quản lý giá giúp việc. Tuy nhiên để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Bộ cũng đề nghị chuyển Cục quản lý cạnh tranh sang trực thuộc Hội đồng cạnh tranh. Theo Bộ trưởng, Bộ cũng đưa ra biện pháp quản lý xăng tạm nhập tái xuất theo hướng siết chặt các trường hợp được áp dụng cơ chế này.
Lê Huyền