Theo ông Bình, Chính phủ đã có đề án tái cấu trúc ngân hàng theo Quyết định 254 với lộ trình từ nay tới năm 2020.
“Ngân hàng nhà nước đang chỉ đạo quyết liệt, quy định rõ nội dung làm cho từng năm một. Ngoài việc hợp nhất, sáp nhập và xử lý ngân hàng yếu kém còn nhiều nội dung đang được làm từng bước, như kiên quyết trích lập dự phòng rủi ro…”, Thống đốc nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Vnexpress |
Về xử lý ngân hàng yếu kém, ông Bình cho biết đã thành lập một Ban liên ngành do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Ngân hàng nhà nước là cơ quan thường trực, ngoài ra còn có sự tham gia của các bộ ngành và chính quyền địa phương.
“Theo Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng, chúng ta đã có đủ bộ đánh giá thế nào là ngân hàng thương mại yếu kém. Hiện chúng tôi tiến hành theo 2 bước: thanh tra tại chỗ để có bức tranh toàn cảnh về hoạt động của ngân hàng và kiểm toán quốc tế độc lập. Như vậy, những ngân hàng đã bị xử lý là xứng đáng. Những ngân hàng này sẽ công khai tên trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian gần nhất”- ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, có tới 26 tổ chức tín dụng đã và đang bị Ngân hàng nhà nước thanh tra trong năm nay.
“Nợ xấu và xử lý nợ xấu đòi hỏi một quá trình”- ông Bình nói.
Theo nhận định của Ngân hàng nhà nước, nợ xấu không phải là con số cố định mà biến động theo thời gian, cả Việt Nam và quốc tế không có bộ quy định thống nhất nào trong xác định nợ xấu nên có nhiều yếu tố định tính và có thể khác nhau giữa các tổ chức đánh giá.
Thực tế tại Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu tăng nhưng từ tháng 6.2012 trở lại đây thì nợ xấu giảm hẳn cùng với tỷ lệ giảm của hàng tồn kho. Ông Bình cho rằng, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
“Nợ xấu của ngân hàng với doanh nghiệp thì đó là việc của ngân hàng giải quyết, nhưng hàng tồn kho cũng là nợ xấu- giải quyết hàng tồn kho cũng là giải quyết nợ xấu- thì phải có sự can thiệp của bộ Công thương”- ông Bình phân tích.
Cùng với đó, nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 90 ngàn tỷ- chủ yếu ở địa phương phải giải quyết từ địa phương; Nợ xấu bất động sản thì phải khai thông thị trường.
Vì sự “chằng chéo” giữa các bộ ngành, địa phương về trách nhiệm trong giải quyết nợ xấu nên ông Bình chốt lại: “Không thể hứa gì về xử lý nợ xấu, nhưng chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu tới năm 2015 cố gắng đưa nợ xấu ngân hàng xuống 3% theo thông lệ quốc tế”.
Lê Huyền