Dân Việt

Giảm ngay lãi suất cứu doanh nghiệp

31/10/2012 08:32 GMT+7
(Dân Việt) - Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch 2013 ngày 30.10, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tập trung vào việc giải quyết nợ xấu, giảm lãi suất để cứu doanh nghiệp…

Thống đốc không hứa xử lý được nợ xấu

Đại biểu Trần Du Lịch- TP.HCM đề xuất cần làm “ốm” thị trường bất động sản để giảm nợ xấu. Ông cho rằng: “Nếu thị trường bất động sản không ốm dần từng phần thì không giải quyết được nợ xấu. Tôi mong rằng trong chính sách tín dụng phải tập trung điều này gắn liền giải quyết vấn đề tồn đọng trong thị trường bất động sản”.

img
Vấn đề nợ xấu, giải cứu doanh nghiệp được nhiều ĐBQH quan tâm, chia sẻ.

Còn ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) nhấn mạnh: “9 tháng đầu năm huy động tín dụng tăng 12,7%, nhưng số tiền cho vay chỉ 2,52%, trong khi đó doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay gặp khó khăn. Vậy, đồng tiền huy động còn lại 10% đang đi về đâu, cần được điều tra, thanh tra làm rõ để có giải pháp thúc đẩy đưa dòng tiền vào sản xuất kinh doanh”. Nhiều ĐB đặt vấn đề giảm ngay lãi suất ngân hàng, mức giảm đề nghị là 11%, để giải cứu DN.

Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Nợ xấu và xử lý nợ xấu đòi hỏi một quá trình”. Theo nhận định của NHNN, nợ xấu không phải là con số cố định mà biến động theo thời gian, cả Việt Nam và quốc tế không có bộ quy định thống nhất nào trong xác định nợ xấu nên có nhiều yếu tố định tính và có thể khác nhau giữa các tổ chức đánh giá.

“Nợ xấu của ngân hàng với doanh nghiệp là việc của ngân hàng giải quyết, nhưng hàng tồn kho cũng là nợ xấu - giải quyết hàng tồn kho cũng là giải quyết nợ xấu - thì phải có sự can thiệp của Bộ Công Thương” - Thống đốc Bình phân tích. Tuy nhiên, lý giải do sự “chằng chéo” giữa các bộ ngành, địa phương về trách nhiệm trong giải quyết nợ xấu nên Thống đốc Bình chốt lại: “Không dám hứa trước về việc xử lý nợ xấu. Chính phủ đặt ra mục tiêu cố gắng tới năm 2015 giảm nợ xấu xuống còn 3%”.

“Lợi ích nhóm” trong kinh doanh xăng dầu?

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, việc kinh doanh xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 84/2009 và không được sửa đổi dẫn tới cả 3 bên đều kêu: Người tiêu dùng kêu giá tăng nhanh giảm chậm, doanh nghiệp kêu lỗ và Nhà nước lúng túng trong quản lý.

ĐB Nguyễn Minh Lâm - Long An: “Mặt hàng nông sản nói chung có tăng nhưng giá các sản phẩm do nông dân sản xuất ra luôn ở mức thấp. Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm liên tục lỗ. Nhiều trang trại, hộ gia đình chăn nuôi phải phá sản và trắng tay sau nhiều đợt thua lỗ liên tục trong năm 2012. Do đó, đề nghị tăng mức hỗ trợ, phát triển khu vực này.

ĐB Nga đề nghị ban hành Luật hoặc Pháp lệnh về kinh doanh xăng dầu bởi thực tế hiện cả nước có 12 doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu nhưng Petrolimex chiếm 60% thị phần. Khi tăng giá là các doanh nghiệp tăng đồng loạt giống nhau cả về thời điểm và mức tăng. Điều này vi phạm Luật Cạnh tranh. Bà đặt câu hỏi: “Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà doanh nghiệp tăng giá, Thứ trưởng bộ Công Thương lại phải đứng ra giải thích, bao che như ở ta. Liệu ở đây có vấn đề lợi ích nhóm?”.

Trả lời những ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định cho đến giờ phút này, tất cả mọi công việc liên quan đến điều hành xăng dầu đều thực hiện theo quy trình.

Cũng theo Bộ trưởng, về thị phần của mặt hàng này, Nhà nước không hạn chế doanh nghiệp trong nước nếu đủ điều kiện có thể đăng ký để trở thành doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu nếu có điều kiện về kho bãi, vốn, hệ thống phân phối. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: "Cho đến giờ phút này ngoài 12 doanh nghiệp thì chưa có thêm doanh nghiệp nào đăng ký thành lập để kinh doanh xăng dầu".