Dân Việt

278 tỷ đồng xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm

31/10/2012 09:23 GMT+7
(Dân Việt) - Với mục tiêu tăng cường khả năng kiểm soát, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ NNPTNT vừa công bố Dự thảo Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn trên phạm vi toàn quốc”.

Trên 50% số cơ sở không đạt tiêu chuẩn ATTP

Kết quả kiểm tra, đánh giá phân loại điều kiện sản xuất ATTP cơ sở sản xuất, kinh doanh nông- lâm- thủy sản trong thời gian qua theo Thông tư số 14 của Bộ NNPTNT cho thấy, tỷ lệ cơ sở xếp loại C (không đạt) vẫn còn rất cao, chiếm tới trên 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra.

Số liệu tổng hợp trong năm 2011 cũng cho thấy: Tỷ lệ mẫu rau quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép là 4,43%; tỷ lệ mẫu thịt nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh, hoóc- môn vượt quá giới hạn cho phép 0,36%.

img
Thu hoạch cà chua tại xã Tiền Phong, Đông Anh, Hà Nội (ảnh minh họa).

Theo đánh giá, tỷ lệ mẫu vi phạm một số mặt hàng như trên còn tương đối cao, chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Một trong những nguyên nhân là do việc kiểm soát ATTP nông- lâm- thủy sản chưa thật sự theo chuỗi giá trị sản phẩm, chưa thiết lập được nhiều các mô hình liên kết sản xuất từ trang trại đến sản xuất sản phẩm cuối cùng và áp dụng các nguyên tắc kiểm soát nguy cơ về ATTP trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm.

Hiện tại, Việt Nam đã triển khai một số mô hình cung cấp an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi cung cấp thực phẩm với 4 ngành hàng (rau, trái cây, thịt lợn, thịt gà) của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) do Chính phủ Canada tài trợ. Bước đầu mô hình này đã tạo được mối liên kết giữa người sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Song nhìn chung, các mô hình này vẫn còn một số hạn chế như: Chưa hình thành nhiều các liên kết ổn định giữa người sản xuất và người tiêu thụ, liên kết tổ hợp tác xã; Chưa có sự tham gia giám sát của cộng đồng trong toàn bộ chuỗi sản xuất; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Xây dựng ít nhất 52 mô hình

Theo Dự thảo Đề án do Bộ NNPTNT vừa công bố, mục tiêu của dự án là sẽ hình thành 52 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông- lâm- thủy sản an toàn được xây dựng và thử nghiệm thành công được triển khai tại 7 vùng sinh thái trên cả nước. Một trong những nội dung quan trọng của đề án này là sẽ quy hoạch các vùng sản xuất; tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng vệ sinh ATTP; xây dựng liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong các chuỗi ngành hàng; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực sản xuất, đồng thời tăng vai trò chủ động của hiệp hội doanh nghiệp trong hoạt động đảm bảo vệ sinh ATTP.

Đề án xây dựng thực phẩm theo chuỗi sẽ được chia ra làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2012 - 2015) sẽ tập trung xây dựng áp dụng thí điểm, kiểm chứng hoàn thiện mô hình. Còn giai đoạn 2 (2016 - 2020) sẽ phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Dự kiến, đề án này sẽ gồm 3 hợp phần, trong đó có 2 hợp phần quan trọng là: Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn (gà, lợn); xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm sản phẩm có nguồn gốc thực vật (rau, quả).

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, tổng kinh phí triển khai các nội dung đề án cần tới 278 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn vốn hỗ trợ của quốc tế chiếm 30%; ngân sách nhà nước cấp chiếm 50%; vốn của địa phương/tổ chức, cá nhân chiếm 20%.