Dân Việt

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất

31/10/2012 07:37 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là quan điểm của TS Nguyễn Ngọc Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, hiện là Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam khi góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Nhiều nơi chưa có giá thị trường

Định giá đất, theo tôi là vấn đề trọng tâm của Chương VIII Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, vì vấn đề này rất nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và hàng triệu người dân. Tôi tán thành với nguyên tắc định giá đất trước đây phải bảo đảm: "Giá đất do Nhà nước quyết định phải sát với giá thị trường", tức là giá đất do Nhà nước định phải là giá thị trường tại thời điểm, địa điểm nhất định.

img
Nếu áp dụng hình thức thuê đất, các tổ chức sự nghiệp sẽ sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Vì giá thị trường là một biến số luôn thay đổi, gần như không ổn định cho nên phải sát với giá thị trường, đây là một thông số rõ ràng cả về định tính và định lượng. Còn định giá đất theo dự thảo này phải "bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường".

Thế nào là phù hợp với giá thị trường, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau, mỗi người theo vị trí, lợi ích của mình mà có cách hiểu khác nhau về phù hợp với giá thị trường. Khái niệm này không rõ ràng, không minh bạch, không đảm bảo tính thống nhất.

Trong thực tế có một số nơi chưa có giá thị trường đất đai, đất nông nghiệp, giá đất ở đây có thể do Nhà nước xem xét, quy định sao cho phù hợp, không để tiêu cực xảy ra. Một điều đang xảy ra trong thực tế cần phải chú ý là khi Nhà nước giao đất cho chủ đầu tư, đất đó còn chưa là đất sạch, chưa có hạ tầng cơ sở (đường sá, điện nước…) mặc dù giá đất khi đó đã sát với giá thị trường nhưng còn thấp nhiều so với giá đất thị trường hình thành khi nhà đầu tư đã đầu tư làm xong cơ sở hạ tầng. Phải thấy rõ giá đất tăng lên nhiều so với trước là do chi phí phát triển cơ sở hạ tầng mà chủ đầu tư đã bỏ ra. Do đó phải giải quyết thỏa đáng điểm này, tránh đơn giản cho rằng khi đền bù cho dân thì giá thấp, khi bán lại thì giá cao. Nếu thực sự nhà đầu tư không

đầu tư để phát triển hạ tầng cơ sở thì chênh lệch giá đó do biến động của giá thị trường khi trừ lãi suất vay vốn ngân hàng của nhà đầu tư thì Nhà nước phải thu về giải quyết thỏa đáng cho dân. Nếu giá tăng cao do kết quả đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở của nhà đầu tư thì nhà đầu tư được hưởng.

Giao UBND các tỉnh, thành định giá đất

Dự thảo quy định: "Chính phủ quy định khung giá các loại đất, khi giá đất trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh cho phù hợp”, quy định này theo tôi không khả thi vì Chính phủ không có điều kiện theo dõi sát sao diễn biến của giá thị trường. Nên giao hẳn cho UBND các tỉnh, thành phố quy định giá đất cho địa phương mình, như vậy khả thi hơn, sát hơn và nhanh hơn. Tôi nhất trí bỏ việc UBND ban hành và công bố giá đất vào ngày 1 tháng 1 hàng năm. Thực tế đã chứng minh quy định này mang tính hình thức, hành chính, không khả thi.

“Đối với hình thức giao đất không thu tiền sử dựng đất, tôi nhất trí cần tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất, thực hiện bãi bỏ quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các tổ chức sự nghiệp”.

Đối với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, tôi nhất trí cần tiến tới xóa bỏ bao cấp trong sử dụng đất, thực hiện bãi bỏ quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các tổ chức sự nghiệp. Cần áp dụng hình thức thuê đất đối với các tổ chức sự nghiệp để họ sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Về miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (Điều 94 trong dự thảo), tôi tán thành việc Nhà nước chỉ quy định một mức giá đất sát với giá thị trường cho mọi đối tượng sử dụng đất. Nhưng phải có chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp như dự thảo nêu.

Chúng ta phải làm như vậy để thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh vào các lĩnh vực và địa bàn cần ưu đãi để có thể phát triển sản xuất kinh doanh, làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa, từ đó thu thuế các loại. Điều đó mới mang lại lợi ích cơ bản, to lớn và lâu dài, bền vững cho đất nước.

Nhà nước quá nhiều quyền

Đọc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội, có cảm giác ban soạn thảo đã không lắng nghe ý kiến của dân, của các học giả và các chuyên gia. Họ cũng không để ý đến tiếng nói của hàng triệu nông dân bất bình về chuyện đất đai và nhiều ngàn người đã phải kiện cáo, khiếu nại về những vấn đề liên quan trong nhiều năm qua. (31/10/2012)

Họ vẫn nhất quyết “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Nếu đúng Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, tức là dân phải quyết định, thì không người dân nào chấp nhận điều đó.

Không phân định rạch ròi quyền sở hữu của các cá nhân, của các cộng đồng, của các tổ chức và của bản thân Nhà nước đối với đất đai, rừng… mà vẫn khăng khăng “sở hữu toàn dân”, thì những rắc rối bất ổn xã hội liên quan đến đất đai không thể được giải quyết mà sẽ chỉ trầm trọng thêm.

Những người soạn thảo dự luật đã quy định quá nhiều quyền cho Nhà nước đối với đất đai (quyền sở hữu, quyết định mục đích sử dụng, thời hạn và hạn mức sử dụng, quyết định thu hồi đất, trao quyền sử dụng đất…), tước đoạt quyền tự nhiên của các chủ sở hữu truyền thống (cá nhân, hộ gia đình, làng, xã...).

Trừ 2 điểm (nâng thời hạn giao đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm; quy định hạn mức nhận chuyển nhượng đất lên 10 lần hạn mức giao đất) có vẻ “tiến bộ” hơn Luật Đất đai 2003, còn lại hầu hết các quy định mới đều siết chặt hơn so với luật cũ, vốn đã gây nên nhiều rắc rối, kiện tụng. Đó là trao quyền định đoạt mọi thứ cho chủ tịch UBND (tỉnh, huyện) chứ không phải cho UBND, làm cho sự tập trung quyền lực vào tay cá nhân và như thế dễ dẫn đến lạm quyền và tham nhũng. Đó là loại bỏ việc thỏa thuận giữa nhà đầu tư và những người có quyền sử dụng đất, thay vào đó Nhà nước sẽ đảm nhiệm việc thu hồi đất, tạo ra quỹ đất “sạch”, sau đó mới giao cho chủ đầu tư; việc này không những tước đoạt quyền chính đáng của người dân mà sẽ tăng cường sự áp chế của Nhà nước. Đó là việc áp đặt giá đất... Hầu hết những việc đó không phải và không thể là việc của Nhà nước.