Ủy ban điều tra đang xử vụ cảnh sát vào ngày 16.8.2012 bắn chết 34 thợ mỏ và bắn bị thương 78 người khác tham gia cuộc đình công ở mỏ bạch kim Marikana từ ngày 10.8, đòi tăng lương lên 12.500 rand (1.500USD) mỗi tháng. Vụ tranh chấp lao động bạo lực nhất này - từ khi chế độ phân biệt chủng tộc apartheid bị phá đổ năm 1994 - đã khiến đất nước Nam Phi và thế giới bị sốc, khiến ông Zuma bị chỉ trích và làm bùng phát một loạt vụ đình công khác tại nền kinh tế lớn nhất châu Phi này.
Triệu phú Raphamosa |
Quan chức xúi giục bạo lực
Trước Ủy ban điều tra, luật sư Dali Mpofu cho biết email của Ramaphosa - một lãnh đạo thuộc Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền ở Nam Phi - gởi giám đốc thương mại Albert Jamieson của Công ty Mỏ Longmin lúc 2 giờ 58 trưa 15.8, tức đúng 24 giờ trước khi các thợ mỏ bị cảnh sát bắn chết. Trong thư, ông lên án các công nhân mỏ, cáo buộc họ phạm tội hình sự: “Những sự việc khủng khiếp này không thể gọi là tranh chấp lao động, mà là những hành vi phạm pháp hoàn toàn hèn nhát” và ông kêu gọi “phải có phản ứng thích đáng để giải quyết tình hình”.
Jamieson hồi âm, rằng tình hình ở Marikana cần có “cảnh sát và quân đội lập lại trật tự”. Ramaphosa cũng cho biết đã nói rõ quan điểm với nữ Bộ trưởng Tài nguyên mỏ Susan Shabangu, thuyết phục bà rằng vụ đình công ở mỏ Marikana cần phải có hành động thích ứng. Ông ta cũng “nhắc” Bộ trưởng Nội vụ Nathi Mthethwa nên “mạnh tay” với nhóm đình công.
Luật sư Mpofu, đại diện cho gia đình các nạn nhân thiệt mạng, các thợ mỏ bị thương và bị bắt nói: “Chúng tôi nắm được những email trao đổi giữa Công ty Mỏ Lonmin, các quan chức Bộ Tài nguyên mỏ và cảnh sát, và nhân vật chính là quý ngài Cyril Ramaphosa”. Ông nhấn mạnh chứng cứ này đủ để phản bác tuyên bố của cảnh sát: họ phải nổ súng để tự vệ vì người đình công đòi đánh họ.
Luật sư này còn nói: “Một trong những nguyên nhân của thảm kịch Marikana là mối thông đồng độc hại giữa chính quyền trung ương và địa phương. Thủ phạm của vụ thảm sát là cảnh sát quốc gia (SAPS), các cơ quan công quyền và Lonmin. Những người mà tôi đại diện đòi hỏi sự thật cho họ và cho những đồng nghiệp chết oan”.
Ông còn mô tả hành động của cảnh sát là “sát nhân và giết người không cần xét xử, cố tình sát hại những người vô tội”. Luật sư nói nếu cần thiết, họ sẽ gửi đơn kiện đến Tòa án hình sự quốc tế, để nhờ điều tra ai đã lệnh cho cảnh sát bắn chết nhân dân.
Hãng tin Reuters đã có được bản sao các email và Lonmin xác nhận tất cả các nội dung đều đúng. Một nguồn tin thân cận Lonmin nói công ty cung cấp các email này cho Ủy ban điều tra vì không muốn che giấu điều gì, và công ty dự tính sẽ công bố chúng vào thời điểm thích hợp, nhưng bị luật sư “cướp cò”.
Cảnh sát trấn áp thợ mỏ đình công |
Lời ai điếu đạo đức giả
Ramaphosa không phải là lãnh đạo của Lonmin, Tập đoàn Shanduka của ông chỉ có 9% cổ phần trong công ty này, nhưng lại có 50% cổ phần ở Incwala Resources, một đối tác của Lonmin. Ông từ chối bình luận vì cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
Hai ngày sau vụ nổ súng, Tập đoàn Shanduka ra tuyên bố Ramaphosa tặng 2 triệu rand để làm đám ma cho các thợ mỏ thiệt mạng. Ông còn viết trên báo Sunday Times của Nam Phi: “Chúng ta phải gánh một số trách nhiệm dẫn đến thảm họa này. Khi tiếc thương họ, chúng ta cũng phải soi lại mình”.
Đoàn thanh niên (ANCYL) của ANC vốn chủ trương quốc hữu hóa các mỏ tài nguyên quốc gia, đã lên án Ramaphosa và các “đồng chí cấp cao” khác là “tham lam nên tay vấy máu”. Trong bản tuyên bố vốn nêu nhiều lãnh đạo ANC có cổ phần ở các công ty mỏ, viết: “Ông Ramaphosa đã mất uy tín của một lãnh đạo, không còn là một chiến sĩ cách mạng từng đấu tranh vì giai cấp công nhân. Chúng tôi kết luận rằng Marikana là một vụ giết người có chủ định và tay ông đã dính máu của các thợ mỏ”.
ANCYL yêu cầu Ramaphosa xin lỗi gia đình các thợ mỏ bị giết và bị thương. Trên một chương trình phát thanh hồi tháng 9, một thính giả cũng gọi đến đài nhờ nói hộ: “Cyril, ông làm Nam Phi thất vọng”.
Bán mình cho tư bản
Những email của Ramaphosa “nhờ” chính phủ “xử lý bọn vi phạm hình sự” khiến có những tố cáo: Ramaphosa cùng giới doanh nhân da đen có quan hệ với giới chính trị đã “phản bội các thợ mỏ” và “bán mình” cho người da trắng.
“Vụ thảm sát Marikana” là bằng chứng mới nhất của việc đảo ngược vai trò của Ramaphosa, người từng chỉ huy các thợ mỏ thực hiện một cuộc đình công lịch sử hồi năm 1987, khi chế độ apartheid còn cầm quyền. Năm ấy, luật sư - thủ lĩnh công đoàn trong độ tuổi 30 - dẫn dắt 300.000 thợ mỏ thuộc Công đoàn thợ mỏ quốc gia (NUM) đình công trong 3 tuần, khiến ngành mỏ do người da trắng điều hành bị mất hàng triệu rand/ngày.
Việc Ramaphosa “đổi chiều” là bằng chứng các nhà đấu tranh cho Nam Phi đã bị chủ nghĩa tư bản cám dỗ. Theo lời giáo sư Adam Habib thuộc khoa Chính trị Đại học Johannesburg: “Đó là một thảm kịch cá nhân của vị tổng thư ký NUM hồi 25 năm trước, và là kiến trúc sư của Hiến pháp Nam Phi. Nó là ví dụ điển hình về sự suy thoái đạo đức của lớp cán bộ ANC nay trở nên quá giàu có”.
Điều thú vị là thời điểm luật sư Mpofu tung ra các e-mail trùng với các tờ báo Nam Phi nêu nhiều đảng bộ ANC tính chuyện đề cử Ramaphosa làm ứng cử viên phó tổng thống cho ông Zuma. Ramaphosa là ủy viên được kính trọng trong ban chấp hành ANC, từng cùng lãnh tụ Nelson Mandela tích cực đấu tranh chống apartheid và từng là tổng thư ký ANC.
Hồi tháng 9.2012, Ramaphosa phải lên sóng phát thanh, để xin lỗi vụ nghênh ngang đấu giá mua một con trâu rừng và bộ da của nó với giá 18 triệu rand: “Đó là sai lầm của tôi, tôi rất tiếc vì nhúng tay vào vụ này. Tôi đã được một số đồng chí tốt phê bình góp ý, nhưng trước khi họ phê bình, tôi đã thừa nhận đó là một sai lầm khi hét giá cao khi nhiều người còn nghèo khổ. Đó là một trong những khoảnh khắc mù quáng của tôi”.
Chẳng rõ khi viết email xúi giục, có phải ông gặp “khoảnh khắc mù quáng” khác? Liệu ông có nhớ giai cấp công nhân là trụ cột của ANC? Chỉ biết chắc rằng ông “lãnh đòn trả thù” của ANCYL. Hồi đầu năm nay, Ramaphosa chủ trì Ủy ban kỷ luật, quyết định khai trừ thủ lĩnh ANCYL Julius Malema và người phát ngôn ANCYL Floyd Shivambu. Dễ hiểu vì sao ANCYL trả đũa rằng tay ông “dính máu người chết”. Luật sư Mpofu cũng chính là người bào chữa cho Malema. Shivambu ức nên còn kêu gọi chính quyền bắt Ramaphosa vì liên quan trong việc kích động bạo lực dẫn đến chuyện các thợ mỏ bị giết.
Cuộc điều tra vẫn còn tiếp tục, trước khi có thể quy trách nhiệm cho Lonmin hay là Raphamosa gây ra vụ thảm sát kinh hoàng. Ramaphosa sẽ 60 tuổi vào ngày 17.11 tới. Nếu ra ứng cử phó tổng thống và mọi sự tốt đẹp, ông sẽ ngự ngôi cao đến năm 2017 và sau đó có thể trở thành tổng thống Nam Phi...